Ngày 28-1, ngư dân Nhật Bản phát hiện một con cá mái chèo dài gần 4 m mắc vào lưới ngoài khơi cảng Imizu, tỉnh Toyama. Lúc này, con cá đã chết nên được đưa đến công viên thủy sinh Uozu để nghiên cứu.
9 ngày trước đó, hai giống cá có thân dài như rắn khác cũng được phát hiện ở Vịnh Toyama.
Kỷ lục số cá mái chèo trôi dạt ở Vịnh Toyama là 4 con vào năm 2015 nhưng con số này có thể bị vượt qua trong năm nay.
Loài cá có thân màu bạc và vây đỏ này thường sống ở vùng biển sâu và hiếm khi nhìn thấy gần mặt biển. Theo truyền thuyết, cá mái chèo xuất hiện đồng nghĩa với việc thảm họa thiên nhiên đang đến gần. Ngay cả tên tiếng Nhật của chúng - "thông điệp từ cung điện của vua rồng" - cũng mang ẩn ý về sự liên quan của loài cá này với thiên tai trong quá khứ.
Cá mái chèo là loài cá sống dưới biển sâu và hiếm khi được nhìn thấy gần mặt biển. Ảnh: SCMP
Người dân Nhật Bản cho rằng cá mái chèo sẽ tự nổi lên trên mặt nước và dạt vào bãi biển khi một trận động đất sắp xảy ra. Quan niệm này cũng tương đồng với các lý thuyết khoa học về việc cá biển sâu rất nhạy cảm trước những chuyển động trong các đường đứt gãy địa chấn và sẽ hành động khác thường trước một trận động đất.
Tiếng tăm về điềm xấu mà cá mái chèo mang lại từng được củng cố khi có ít nhất 10 con trôi dạt vào bãi biển phía Bắc Nhật Bản vào năm 2010. Đến tháng 3-2011, một trận động đất mạnh cấp độ 9 xảy ra ngoài khơi Đông Bắc Nhật Bản, tạo ra cơn sóng thần khổng lồ làm chết gần 19.000 người và phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima. Ký ức về thảm họa kinh hoàng 8 năm trước khiến cư dân mạng Nhật Bản không khỏi lo lắng về sự xuất hiện lần này của cá mái chèo.
Tuy nhiên, ông Hiroyuki Motomura, giáo sư môn ngư học tại trường ĐH Kagoshima, lại có cách giải thích đơn giản hơn về sự xuất hiện của cá mái chèo ngoài khơi tỉnh Toyama. "Tôi có khoảng 20 mẫu vật về loài cá này trong bộ sưu tập nên chúng không phải là loài cá quá hiếm. Tôi tin rằng cá mái chèo có xu hướng nổi lên trên mặt biển khi trở nên ốm yếu. Đây là lý do vì sao chúng thường đã chết khi được tìm thấy. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự liên quan của loài cá này với động đất nên tôi nghĩ mọi người không cần lo lắng" - ông Motomura trấn an.
Giáo sư Shigeo Aramaki, một nhà địa chấn học tại trường ĐH Tokyo, cũng cho rằng sự lo lắng của cư dân mạng là "không cần thiết". "Tôi không phải là chuyên gia về cá nhưng không có tài liệu khoa học nào chứng minh được mối liên kết giữa hành vi của động vật với hoạt động địa chấn. Không có lý do gì để lo lắng và cũng không thấy báo cáo cập nhật nào về sự gia tăng của hoạt động địa chấn trong nước những tuần gần đây" - giáo sư Aramaki khẳng định.
Bình luận (0)