Cụ thể, 67.000 tỉ tấn băng đã bị mất ở phía Tây, trong khi 59.000 tỉ tấn băng đã được bồi thêm vào phía Đông trong giai đoạn 1997-2021. Nước ấm ở phía Tây Nam Cực đã làm tan băng, trong khi nước lạnh hơn ở phía Đông cho phép các thềm băng giữ nguyên hoặc phát triển.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét hơn 100.000 hình ảnh được chụp từ không gian để phân tích tình trạng các thềm băng.
Các thềm băng nằm ở cuối sông băng. Khi thềm băng bị thu hẹp, các sông băng giải phóng nước ngọt ra biển nhanh hơn. Ước tính có 67 triệu tấn nước ngọt được thải ra biển trong vòng 25 năm, ảnh hưởng đến các dòng hải lưu vận chuyển nhiệt và chất dinh dưỡng trên khắp thế giới.
Điều này có thể gây tác động dây chuyền cho phần còn lại của hành tinh, như làm ảnh hưởng đến mô hình bão cũng như các hệ sinh thái biển.
Sông băng chảy ra biển ở Nam Cực Ảnh: ALAMY
Băng tan ở khắp nơi trên thế giới cũng làm nước biển dâng cao, tác động đến nhiều cộng đồng ven biển. Các nhà khoa học tin rằng lượng băng thất thoát là kết quả của cuộc khủng hoảng khí hậu vì với các chu kỳ biến đổi tự nhiên, phải có nhiều băng được tái tạo hơn.
Vào tháng rồi, một nghiên cứu khác cho thấy Nam Cực có khả năng ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và nhanh hơn mức đang được các mô hình khủng hoảng khí hậu dự đoán.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) của Mỹ cho biết có 80% khả năng kiểu thời tiết El Nino sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa xuân ở Bắc bán cầu (từ tháng 3 đến tháng 5-2024).
Hiện tượng nóng lên tự nhiên của bề mặt đại dương ở phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương này có thể thúc đẩy thiên tai trên toàn cầu, từ cháy rừng đến các cơn bão nhiệt đới và hạn hán kéo dài.
"Với tình trạng đại dương ấm lên hiện nay, năm 2024 có thể là năm ấm nhất lịch sử, ấm hơn những gì chúng ta đã thấy vào năm 2023" - nhà khí tượng học Brad Rippey của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định với Reuters.
Bình luận (0)