xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điện hạt nhân không chết

THẢO HƯƠNG

Nếu thiết kế và quản lý tốt, điện hạt nhân vẫn cần thiết và hữu ích. Một năm sau sự cố Fukushima Dai-ichi, ngành điện hạt nhân thế giới vẫn tiếp tục phát triển với 135 dự án mới

Ngay sau sự cố sóng thần phá hỏng ba lò phản ứng Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, phóng xạ bị rò rỉ phải sơ tán cả trăm ngàn người, vài nước châu Âu quyết định thay đổi chính sách năng lượng.

Tại Ý, một cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số người Ý muốn chính phủ từ bỏ điện hạt nhân. Chính phủ Đức đã quyết định đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân: 8 nhà máy ngưng lập tức, 9 cái còn lại lần lượt đóng cửa từ nay đến năm 2022. Thụy Sĩ cũng chấp thuận kế hoạch lần lượt đóng cửa toàn bộ 5 nhà máy điện hạt nhân từ nay đến năm 2034. Bỉ cũng quyết định tẩy chay điện hạt nhân.

Lỗi thiết kế

Trong một công trình nghiên cứu của nhóm “Đoàn kết với Nhật Bản” được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp công bố hồi mùa hè năm ngoái, ông Armado Armijo, nhà địa chấn học công tác tại Viện Vật lý Địa cầu Paris, chứng minh rằng đáng lý ra các lò phản ứng của Nhà máy Fukushima Dai-ichi không bị sóng thần (cao từ 5 đến 15 m tại vùng Fukushima) nhấn chìm trong nước nếu các nhà thiết kế không mắc sai lầm.

Nhà máy nằm trên đầu vách đá cao 40 m so với mặt biển rất hợp lý. Thế nhưng, người ta lại cho xẻ vách, đào sâu để đặt 6 lò phản ứng chỉ cao hơn mặt biển 7 m với lý do tiết kiệm chi phí bơm nước biển vào hồ làm mát lò.
img

Một mô hình lò phản ứng hạt nhân ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc hiện khai thác 13 lò và đang xây thêm 26 lò. Ảnh: China Daily

Các số liệu thống kê trong 100 năm trở lại đây cho thấy vùng Fukushima hiếm có động đất trên 7,5 độ Richter và nếu có sóng thần thì không cao hơn 5,7 m. Hiếm nhưng không phải không có. Đó là trường hợp trận siêu động đất 9 độ Richter gây ra siêu sóng thần (cao từ 5 đến 15 m tại Fukushima) ngày 11-3-2011 mà các nhà thiết kế nhà máy không tính tới.

Ông Armijo kết luận: “Đây là một sơ suất khoa học nghiêm trọng nhất trong lịch sử dẫn đến những hậu quả tàn khốc”. Ở đây, sai lầm lớn nhất của các nhà thiết kế là chỉ dựa vào các số liệu ghi chép trong vòng 100 năm trở lại đây, trong khi nhất thiết phải tham khảo các số liệu của nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm trước.

Bất cẩn và ngộ nhận

Đầu thập niên 1980, một nhà máy luyện thép Đài Loan do bất cẩn trong khâu xử lý phụ gia đã trộn nhầm chất Cobalt-60 có nồng độ phóng xạ cao vào một mẻ luyện thép. Mẻ thép này đã được dùng để xây dựng 1.700 căn hộ chung cư. Hậu quả, những người sống trong những căn hộ này bị nhiễm xạ gấp 30 lần cho phép mà không hay biết.

15 năm sau, người ta mới phát hiện sai lầm chết người nói trên. Các nhà khoa học cho kiểm tra tình trạng phóng xạ trong các căn hộ trong nỗi lo phát sinh các ổ dịch ung thư. Xưa nay, người ta cho rằng với mức nhiễm xạ nói trên, cứ 10.000 người sẽ có 160 ca ung thư.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu hoàn toàn bất ngờ khi chỉ phát hiện 5 ca ung thư, tức 95% ít hơn dự báo. Những ca sẩy thai cũng thấp hơn dự báo 94%. Những số liệu này đã được đăng trên chuyên san y học Mỹ American Physicians and Surgeons năm 2004.

Sự cố nói trên cho thấy có sự ngộ nhận trong nhận thức của người dân về tác hại của phóng xạ dưới mức 100 mSv/năm. Điều này giải thích tại sao sau vụ rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy Fukushima Dai-ichi, nhiều chính phủ bị sức ép dư luận buộc phải từ bỏ điện hạt nhân trong khi biết rõ sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Tại Nhật, sau khi chính quyền địa phương yêu cầu “đóng băng” 52/54 lò hạt nhân, từ một nước xuất siêu, năm 2011, cán cân thương mại thâm hụt 18 tỉ USD do phải nhập thêm dầu và khí hóa lỏng để sản xuất điện bù đắp phần thiếu hụt điện hạt nhân.

Bài học Fukushima

André Lacoste , “ông trùm” an toàn hạt nhân Pháp, chia sẻ: “Trong ngành công nghiệp hạt nhân, không có khái niệm tiền hay hậu Fukushima”. Bài học rút ra từ Fukushima là cần phải tăng cường các biện pháp an toàn, quản lý chặt chẽ, hoàn thiện các lò phản ứng thế hệ thứ ba và thứ tư.

Đưa lên bàn cân lợi hại, cái lợi của điện hạt nhân vẫn nổi trội hơn. Đó là bảo đảm sự độc lập về năng lượng, giá thành điện thấp, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính sách năng lượng tối ưu hiện nay là kết hợp một cách thông minh năng lượng hóa thạch (than đá, dầu thô, khí đốt), năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế. Trung Quốc đang đi theo hướng này.

Trước bài toán giá năng lượng hóa thạch lên xuống bất thường, nhu cầu điện luôn luôn tăng thêm, điện hạt nhân là một giải pháp tốt. Cho nên, bất chấp sự cố Fukushima, từ tháng 3-2011, có 31 nước đang khai thác điện hạt nhân khẳng định sẽ tiếp tục với 64 lò phản ứng đang xây. Nhiều nhất là Trung Quốc với 26 lò, Nga 10 lò và Hàn Quốc 7 lò, theo số liệu của Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC).

Trong số 11 nước chuẩn bị vào câu lạc bộ các nước sản xuất điện hạt nhân với 29 dự án, năm nay có 5 nước khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bao gồm Việt Nam (4 lò), Bangladesh (2 lò), Liên hiệp Các Tiểu Vương quốc Ả Rập (4 lò), Thổ Nhĩ Kỳ (4 lò) và Belarus (2 lò).

Tính chung, trên thế giới hiện có 135 dự án xây lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo