54 tay súng Syria do Mỹ huấn luyện tới căn cứ Bab al Salama – Syria giữa tháng 7-2015 trên một đoàn xe tải sau khi hoàn thành 2 tháng huấn luyện ở TNK. Sau đó, họ về nhà nghỉ lễ Ramadan. Hai tuần sau, họ quay lại căn cứ là lọt vào bẫy của nhóm Nusra. Ảnh: North Press
Khi nhóm quân Syria đầu tiên do Mỹ huấn luyện định xung trận đánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng về nước từ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) hồi giữa tháng 7, tất cả đều đồng phục chỉnh tề và được trang bị súng trường M16, súng cối và áo chống đạn. Tuy nhiên, túi không tiền, thực phẩm hầu như không có và hơn cả là họ chẳng có ý niệm nào về việc làm thế nào nhóm quân chỉ vẻn vẹn 54 người của họ sẽ làm gì để chống nhóm khủng bố tàn độc nhất thế giới.
Tất cả gần như bị cô lập trong suốt 2 tháng huấn luyện ở TNK và Jordan, mong muốn lớn nhất của họ là được gặp gia đình, không ít trong số đó đang ngày đêm hứng mưa bom của lực lượng chính phủ. Lúc bấy giờ đúng dịp lễ Ramadan, tháng nhịn ăn của người Hồi giáo. Thế nên nhóm học viên này đã đề nghị nghỉ tập luyện 2 tuần, theo chỉ huy của nhóm này - anh Amin Ibrahi, một cựu trung tá quân đội Syria.
Thảm họa đổ xuống khi kỳ nghỉ nói trên kết thúc, nhóm học viên quay lại căn cứ tập huấn. Đó là vào ngày 29-7, một ngày sau khi máy bay Mỹ tấn công tiền đồn của nhóm Mặt trận Nusra – chi nhánh của tổ chức khủng bố al Qaeda. Nusra đã bắt giữ Đại tá Nedim Hassan – Chỉ huy sư đoàn 30 - đơn vị quân nổi dậy Syria mà lực lượng do Mỹ huấn luyện dự định sẽ bắt tay, cùng 7 tay súng thân cận của vị chỉ huy này.
Ngày 31-7, Nusra tấn công trụ sở của sư đoàn này. Vụ tấn công kết thúc bằng các cuộc không kích của Mỹ và can thiệp thực địa của các tay súng người Kurd. 50 tay súng Nusra thiệt mạng trong vụ này tuy nhiên cho thông tin cho biết nhóm khủng bố này đã bắt giữ 10 thành viên của đội quân do Mỹ huấn luyện.
10 tuần sau đó, Lầu Năm Góc thông báo ngưng chương trình huấn luyện sau khi một nhóm học viên thứ 2 bị phát hiện trao vũ khí cho Nusra. Nguyên nhân của sự sụp đổ của chương trình này được gán cho nhiều nhân tố bao gồm các thành viên tham gia, cơ quan tình báo TNK MIT, Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (hay còn được biết đến với cái tên YPG)…
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của McClatchy cho thấy nhân tố chính là Mỹ - bên khởi xướng chương trình huấn luyện này mà không đoái hoài tới quan điểm của những người được huấn luyện có ủng hộ hay không, ngoài ra còn có sự ngờ vực sâu sắc của một đối tác chủ chốt trong chương trình này là TNK.
Thêm vào đó, chương trình này cũng diễn ra không đúng lúc khi Mỹ đang không kích Nusra và không nghi ngờ gì về khả năng nhóm “chân rết” của al Qaeda này sẽ nhắm tới đơn vị còn rất mỏng do Mỹ huấn luyện nói trên để trút giận.
Theo lời 2 binh sỹ quân nổi dậy Syria cùng 2 thành viên của chương trình huấn luyện nói trên, chương trình huấn luyện bị xáo trộn ngay từ đầu khi thường xuyên nổ ra tranh cãi về mục tiêu của chương trình, nhuệ khí của người tham gia rất thấp và những căng thẳng liên quan tới thực phẩm, nguồn lực…
Viên chỉ huy Even Ibrahim chia sẻ rằng anh đã tính bỏ cuộc giữa chừng nhưng không làm vậy bởi hành động như vậy chắc chắn sẽ kéo tụt tinh thần của cả đội. “Tôi là chỉ huy, nếu tôi bỏ buộc, mọi người sẽ làm theo” – Ibrahim cho biết anh đã phải luôn tự nhắc bản thân điều này.
Tuy nhiên, cũng theo lời Ibrahim, anh chưa bàa giờ nghĩ rằng mục tiêu của sứ mệnh mình tham gia là nhằm vào IS trước tiên, và sau đó mới tới chính quyền Tổng thống Bashar Assad.
“Mỗi ngày gặp các chuyên gia huấn luyện người Mỹ, tôi đều nói với họ rằng việc này hoàn toàn sai. Tôi nói rằng: “Tôi là người Syria. Vấn đề của chúng tôi là chính quyền (Assad). Hãy giúp chúng tôi diệt trừ chế độ đó”. Và câu trả lời là: “Các vị không nên bắn một viên đạn nào vào chế độ đó” – Ibrahim kể lại.
“Hơn một lần chúng tôi đứng dậy và bỏ ra ngoài. Thỉnh thoảng các chuyên gia huấn luyện của TNK đã lớn tiếng yêu cầu các đồng nghiệp Mỹ rời khỏi phòng. Họ nhấn mạnh rằng: “Hãy làm theo những điều người Syria nói, không thì đi đi” – Ibrahim cho biết thêm. Vị chỉ huy này còn nhấn mạnh rằng người “TNK luôn ở bên phía chúng tôi”. Giới chức văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao TNK không trả lời khi được yêu cầu bình luận về thông tin này.
Một vấn đề căng thẳng khác xuất phát từ quan hệ giữa Mỹ và YPG. Trong 6 tháng đầu tiên của chiến dịch không kích IS của Mỹ, YPG trợ giúp đáng kể, đẩy lùi IS khỏi hàng chục ngôi làng ở phía Bắc Syria. Tuy nhiên, các tay súng nổi dậy Syria lại không tin tưởng YPG một phần vì quá khứ thù địch với lực lượng được cho là vẫn giao du với chính phủ Assad này.
Khi Lầu Năm Góc thông báo ngưng chương trình huấn luyện, họ cũng công bố gói 500 triệu USD để trang bị cho các tay súng người Kurd ở Syria và các nhóm nổi dậy khác. Tuy nhiên, thực ra phần lớn số tiền đó đã được chi rồi. Chương trình huấn luyện trên tiêu tốn 30.000 USD cho mỗi thành viên tham gia nhưng chỉ có 180 người “tốt nghiệp”, theo Người phát ngôn Lầu Năm Góc Roger Cabiness. Tuy nhiên, chương trình này đã “ngốn” tới 384 triệu USD, trong đó 325 triệu USD dùng để trang bị 4.000 vũ khí, 1.000 phương tiện chiến đấu, đạn dược, thiết bị thông tin liên lạc. Ngoài ra còn một số chi phí khác như cơ sở hạ tầng, vận tải…
Trong số 180 người “tốt nghiệp”, 145 đang hoạt động, trong đó khoảng 95 người ở Syria. Theo nguyên văn lời của ông Cabiness, 35 người “hiện được coi là không còn hoạt động”. Tuy nhiên, không rõ họ đã hi sinh hay có chuyện gì xảy ra với họ?
Bình luận (0)