Vào tháng 10-2015, khi mùa xuân bắt đầu ở bán cầu Nam, nhóm của ông Ballesta thực hiện chuyến đi kéo dài 36 ngày bắt đầu tại Dumont d’Urville, một trạm nghiên cứu khoa học của Pháp ở phía Đông Nam Cực.
Tiếp đó, họ mất thêm 2 năm để chuẩn bị cho hành trình không hề đơn giản. Ngoài ra, thợ lặn còn phải "cõng" trên lưng một loạt thiết bị nặng đến 90 kg bên dưới lớp băng. Điều này khiến việc bơi lội trở nên gần như bất khả thi và đặc biệt đau đớn.
Tuy nhiên, những gì mà ông Ballesta chụp được bên dưới lại là "một khu vườn lộng lẫy". "Vùng biển bên dưới lớp băng Nam Cực cũng giống như đỉnh Everest vậy, hết sức huyền diệu nhưng hung hiểm đến mức bạn phải chắc chắn về đam mê của mình trước khi dấn thân vào" - nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp này nói.
Một con chim cánh cụt hoàng đế bơi ngang qua thợ lặn Ảnh: LAURENT BALLESTA
Ở độ sâu 9-15 m, mắt thường có thể nhìn thấy được rừng tảo bẹ, sao biển và nhện biển khổng lồ. Chúng có kích thước to lớn hơn nhiều so với đồng loại sống ở những vùng biển ấm hơn. Ở độ sâu 70 m, giới hạn của thợ lặn, ông Ballesta tiết lộ đây là nơi có sự đa dạng sinh học cao nhất khi có "màu sắc và sự phong phú" giống hệt những rạn san hô nhiệt đới.
Sau khi trở về châu Âu, nhiếp ảnh gia Ballesta cho biết ông mất tới 7 tháng để các dây thần kinh được phục hồi hoàn toàn sau khi trải qua điều kiện khắc nghiệt dưới làn nước băng giá. Dù chuyến đi cực kỳ căng thẳng nhưng ông Ballesta cho rằng hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra.
Bình luận (0)