Tờ Indenpendent hôm 12-7 cho biết tảng băng tách ra từ thềm băng Larsen C có kích thước khoảng 5.800 km2 và nặng khoảng 1.000 tỉ tấn. Trước đó, vệ tinh của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện vết nứt trên thềm băng Larsen C.
Dù tách khỏi thềm băng chính nhưng tảng băng vẫn giữ nguyên vị trí, có thể là do nó gắn liền với các cấu trúc bên dưới mặt nước hoặc tác động của dòng hải lưu và gió.
Theo các nhà khoa học đang nghiên cứu về Nam Cực, tảng băng – được đặt tên là A68 - tách ra trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 12-7 vừa qua.
Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy A68 đã tách khỏi thềm băng chính. Ảnh: NASA
A68 có kích thước bằng một nửa so với tảng băng tách khỏi thềm băng Ross vào năm 2000. Đó là tảng băng lớn nhất tách khỏi thềm băng chính từng được ghi nhận.
Các nhà khoa học khẳng định A68 sẽ không ảnh hưởng đến mực nước biển toàn cầu vì nó nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, nếu loại bỏ nó sẽ đẩy nhanh dòng chảy của sông băng từ đất liền ra biển.
Sau khi A68 tách ra, thềm băng Larsen C bị mất khoảng 12% diện tích và làm thay đổi vĩnh viễn cảnh quan ở Nam Cực.
Có nguy cơ Larsen C sẽ chịu chung số phận với ‘người hàng xóm’ Larsen B – bị tan rã vào năm 2002 sau khi xảy ra hiện tượng nứt vỡ hồi năm 1995.
GS Adrian Luckman đến từ Trường ĐH Swansea, xứ Wales – Anh, cho biết họ đang theo dõi những tác động đối với Larsen C.
Theo GS Luckman, có thể trong tương lai A68 sẽ giữ nguyên vị trí nhưng nhiều khả năng nó sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh. Trong đó, một phần của tảng băng có thể tồn tại ở vị trí cũ trong nhiều thập kỷ, trong khi các phần còn lại có thể trôi dạt về phía Bắc vào vùng nước ấm hơn.
Bình luận (0)