Phát biểu tại một hội nghị quân sự ở TP Thâm Quyến - Trung Quốc vào ngày 20-12, Chuẩn Đô đốc La Viện tuyên bố điều nước Mỹ sợ hãi nhất là thương vong và cách dễ dàng nhất để đánh bại kẻ thù chính của Trung Quốc là đánh chìm 2 tàu sân bay của Mỹ, giết chết ít nhất 10.000 thủy thủ. Ông La cho rằng khi điều này xảy ra, "chúng ta sẽ xem xem Mỹ sợ hãi như thế nào".
Phát ngôn của ông La được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 4-1 ra lệnh cho quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu. Trước đó, ông Tập cũng nhấn mạnh không loại trừ biện pháp vũ lực để đảm bảo "sự thống nhất hòa bình" với Đài Loan.
Trang Fox News nhận định đây là một sự leo thang về ngôn từ. Cùng với những phát ngôn cứng rắn khác liên tục được các quan chức Bắc Kinh đưa ra, rõ ràng đang có một nỗi lo lắng ở Trung Quốc.
Trung Quốc đe dọa đánh chìm 2 siêu tàu sân bay của Mỹ. Ảnh: John Whalen
Các lãnh đạo Trung Quốc từng cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nước này sẽ khôi phục vai trò lịch sử trong khu vực. Thế nhưng, ông Tập và những người ủng hộ lại chứng kiến tình trạng những sáng kiến ngoại giao, kinh tế và quân sự của họ thất bại, gây ra sự kháng cự ngày càng gia tăng từ những nước Ấn Độ - Thái Bình Dương khác thay vì sự tập hợp mà Trung Quốc tiên đoán.
Giờ đây, các khoản thuế thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đe dọa làm kinh tế Trung Quốc bất ổn, dẫn đến thất bại trong chiến lược mở rộng của ông Tập.
Những nỗ lực để lấy lại động lực của Trung Quốc lại để lộ sự thiếu hiểu biết về văn hóa Mỹ. Trung Quốc cho rằng sự thiếu sót về chiến lược tập trung của chính quyền Tổng thống George W. Bush và chính sách đối ngoại "lãnh đạo từ phía sau" của cựu Tổng thống Barack Obama là sự suy yếu của Mỹ.
Ảnh: Chris Oxley
Trong thực tế, những khía cạnh nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn bền vững một cách đáng ngạc nhiên và tinh thần chiến đấu của người Mỹ chỉ đang ngủ say. Những người cho rằng Washington sẽ rút lui khi 2 tàu sân bay bị đánh chìm nên tìm hiểu kỹ lịch sử của Mỹ và tác động của những sự kiện quan trọng, ví dụ như vụ chìm tàu Lusitania, vụ tấn công Trân Châu Cảng và vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới 11-9, lên tinh thần của người dân Mỹ.
Bất kỳ máy bay tầm xa, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo nào tấn công tàu sân bay của Mỹ chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa nhắm vào căn cứ nơi những vũ khí này xuất phát và các cảm biến liên quan đến chúng. Sau đó, Mỹ sẽ chuyển sự chú ý sang hạm đội hải quân của Trung Quốc.
Trước khi Bắc Kinh hiểu được chuyện gì xảy ra, họ sẽ bị cắt đứt những nguồn năng lượng từ nước ngoài và các nguyên liệu thô cho công nghiệp xuất-nhập khẩu. Chỉ trong vài tuần, Trung Quốc sẽ không có nhiên liệu và các nhà máy bị đóng cửa. Nền kinh tế Mỹ, nhờ nguồn tài nguyên dồi dào có sẵn, sẽ có thể vượt qua cơn bão kể cả khi Trung Quốc nỗ lực leo thang và tấn công các mục tiêu ở Bắc Mỹ.
Theo Fox News, với Trung Quốc, điều họ nên làm là kiểm soát những phát ngôn hiếu chiến và tiếp cận bàn đàm phán về vấn đề thương mại một cách thiện chí và tỏ ra cởi mở về sự thỏa hiệp thật sự đối với những vấn đề kinh tế đang chia rẽ 2 nước.
Bình luận (0)