Năm 1108, con trưởng của Đoàn Chính Thuần là Đoàn Dự (Đoàn Hòa Dự, Đoàn Chính Nghiêm) kế vị. Đoàn Dự từ nhỏ thông minh hiếu học, được bác là Đoàn Chính Minh mời Lục Huyền đại sư dạy dỗ. Lục Huyền là cao tăng Thiên Thai tông, tài kiêm văn võ, ở trung nguyên nổi tiếng sánh với Châu Đồng (thầy của Địch Thanh, Lâm Xung).
Văn tài võ lược
Lục Huyền đại sư dạy trong vương thất Đại Lý rất nghiêm, thấy Đoàn Dự thông tuệ nên yêu quý, lại mời đồng đạo là Diệu Trừng đại sư cùng rèn dạy. Lục Huyền truyền cho Đoàn Dự “Lục môn diệu pháp” (có lẽ đây là cơ sở để Kim Dung phát triển thành tuyệt học Lục mạch thần kiếm của họ Đoàn) cùng các kỳ môn dị thuật.
“Đoàn thị Truyền đăng lục” có chép quy chế của Thái tổ Đoàn Tư Bình đặt ra: “Phàm là con cháu trực hệ hoàng tộc, 6 tuổi phải học văn luyện võ, 10 tuổi phải biết cưỡi ngựa bắn cung, 13 tuổi phải diễn trận luyện binh, 15 tuổi thì văn phải thông thi từ, võ phải tinh điều binh đánh trận. Kẻ không có năng lực ấy thì dù là hoàng tử cũng không thể lên ngôi báu. Trong hoàng tộc phải chọn kẻ văn võ toàn tài lại có đức mới lên làm vua. Nếu trong hoàng thất không có người như vậy thì chọn trong triều thần mà lập”.
Tuyên Nhân hoàng đế Đoàn Dự đăng cơ năm 26 tuổi, các nước xung quanh cùng 37 Man bộ đều đến chúc mừng, Đại Lý mở tiệc đến 3 tháng, ngày đêm ca hát tại Ngũ Hoa Lầu.
Đoàn Dự lên ngôi chuyên cần chính sự, yêu thương dân chúng, giảm nhẹ thuế khóa, tăng giao thương với các nước, thay đổi cục diện chuyên quyền của họ Cao, Đại Lý dần thịnh lên. Nhưng được 3 năm thì trời bỗng nóng ran, lục súc bất an, động đất kéo dài hơn tháng phá hủy hàng vạn ngôi nhà. 16 ngôi chùa ở Hải Đông bị sập, dân chết hơn 3.000 người. Tiếp đó nước lũ tràn về rồi đến nắng hạn, mùa màng hư hại, 37 Man bộ bắt đầu nổi loạn. Đoàn Dự thân chinh bình Man, lại lệnh cho Cao Thái Minh trấn thủ chặt vùng trọng địa Côn Minh, nước dần yên ổn.
Cao Thái Minh chết, 8 con trai đều được Đoàn Dự phong đất. Một đêm, con trưởng là Cao Trí Xương uống rượu với Đoàn Dự ở Lộng Đống, say mới lỡ lời rằng: “Họ Đoàn làm vua không ra gì, nếu không có họ Cao nâng đỡ thì đã tan từ lâu. Nay ngôi hoàng đế vốn là thuộc về ta, do cha ta nghe lời tổ phụ nên mới nhường cho Đoàn Chính Thuần. Ngài nay làm vua, ta thật không phục”.
Đoàn Dự nổi giận nhưng chỉ lấy tội sàm nghịch để phạt Trí Xương ra ở thành Thạc Nam. Được nửa năm thì Trí Xương mắc lam chướng mà chết, Đoàn Dự hối hận, mới an ủi gia quyến, tháng 7 cho làm pháp sự rất lớn để độ vong linh.
Có 2 võ sĩ từng là hầu cận của Trí Xương tìm cách báo thù cho chủ, nấp trong chùa Địa Tạng thừa cơ Đoàn Dự vào chùa để ám sát nhưng bị thị vệ bắt được. Khi tra hỏi, cả hai cung khai rõ ràng, Đoàn Dự bèn xá tội cho nhưng 2 võ sĩ cùng nhau tự tử. Đoàn Dự cảm động cho lập mộ nghĩa sĩ an táng.
Vương thất phân tranh
Đoàn Dự nhiều lần cho sứ sang giao hảo với nhà Tống, cống ngựa Vân Nam, đao Đại Lý, xạ hương, ngưu hoàng; cho nhạc công và đoàn ảo thuật vào kinh thành Biện Lương biểu diễn cho vua Tống xem, rất được khen ngợi.
Năm 1117, Tống Huy Tông phong cho Đoàn Dự là “Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu tư không, Vân Nam tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, Đại Lý quốc vương”. Thời gian này, việc thông thương trở nên phát đạt, ngoài nhà Tống còn có Ba Tư (Iran), Ấn Độ, Thổ Phiên...
Trong các loại mặt hàng của Đại Lý thì ngựa là thứ được ưa chuộng nhất. Chiến mã Đại Lý nổi tiếng khắp nơi, có thể di chuyển trên địa hình cheo leo, hiểm trở. Số lượng ngựa mỗi năm được đưa đến giao dịch tại Lê Nhã Châu lên tới hàng ngàn con. Người Đại Lý thì tiếp thu ngày càng nhiều văn hóa Hán và các loại sách quý. Về nghệ thuật, Đại Lý nổi tiếng về bích họa, khắc đá, khắc gỗ. Những kinh điển Phật giáo Mật tông của Đại Lý cũng được truyền vào trung nguyên.
Đoàn Dự tại vị 39 năm, có thể nói là “quốc thái dân an”, ngoài không chiến tranh, trong không nội loạn, kinh tế văn hóa đều phát triển. Nhưng vào cuối đời, 4 con trai của Đoàn Dự tranh giành quyền bính, triều chính bị ảnh hưởng nhiều.
Từ sau sự biến Tĩnh Khang (1127), Bắc Tống bị nhà Kim tiêu diệt, Đoàn Dự tuổi cũng đã cao nên việc giao hảo với trung nguyên ngày càng sút giảm. Năm 1140, các Man bộ nổi loạn tấn công Thiện Xiển, giết chết Cao Minh Thanh ở Đông Đề. Đoàn Dự bình loạn xong, đưa Cao Lượng Thành làm tướng quốc. Dần dần, các thế lực trong vương thất phân tranh, Đoàn Dự không thể nào dẹp yên được, lòng rất buồn phiền.
Năm 1147, Đoàn Dự quyết định nhường ngôi cho con là Đoàn Chính Hưng, còn mình cắt tóc xuất gia ở Vô Vi Tự trở thành trụ trì đời thứ 23 với pháp danh Quảng Hoằng đại sư. Đoàn Dự chết năm 94 tuổi, là người làm vua lâu nhất và sống thọ nhất trong các đế vương họ Đoàn ở Đại Lý.
Đoàn Dự tinh thư họa, giỏi vẽ hoa sen, là tay cao cờ. Trước tác có “Ngọc hà thi trản” 4 quyển, “Cầm phổ” 1 quyển và 3 thi khúc.
Chàng khờ trong mắt Kim Dung
Theo “Thiên Long bát bộ” thì Đoàn Dự là con của nguyên thái tử Đại Lý Đoàn Diên Khánh và Đao Bạch Phượng. Chàng thư sinh đa tình, ghét bạo lực, không thích học võ, môn Lục mạch thần kiếm gia truyền thì lúc sử dụng được lúc thì không nhưng nhờ cơ duyên nên học được Bắc minh thần công của phái Tiêu Dao có thể hút công lực kẻ khác, Lăng ba vi bộ là môn khinh công di chuyển lẹ làng… Đoàn Dự kết nghĩa huynh đệ với Tiêu Phong, Hư Trúc, có 3 phu nhân là Vương Ngữ Yên, Chung Linh và Mộc Uyển Thanh.
Theo nguyên tác thì Đoàn Dự lập Vương Ngữ Yên làm hoàng hậu nhưng trong lần sửa đổi của Kim Dung năm 2006 thì sau khi lên ngôi Đoàn Dự quyết định lập Mộc Uyển Thanh, Chung Linh và tì nữ của Ngân Xuyên công chúa là Hiểu Lôi làm phi, còn để Vương Ngữ Yên ra đi.
Kỳ cuối: Vương triều Đại Lý diệt vong
Bình luận (0)