Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden hôm 6-11 (giờ địa phương) đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump ở 4 bang chiến trường Georgia, Nevada, Arizona và Pennsylvania. Dù vậy, chính quyền bang Georgia thông báo sẽ kiểm phiếu lại.
Ê-kíp ông Biden mừng chiến thắng
Riêng tình hình bang Pennsylvania đang hết sức kịch tính sau khi ông Biden có cú nước rút ngoạn mục. Từ cách biệt gần 700.000 phiếu vào đầu ngày 4-11 (giờ địa phương), chỉ sau hơn 24 giờ ông Trump chỉ còn hơn đối thủ khoảng 18.000 phiếu. Sang ngày hôm sau, ông Biden đã vượt lên và dẫn trước ông Trump hơn 9.000 phiếu (tính đến cuối ngày 6-11, giờ Việt Nam).
Tuy các hãng truyền thông Mỹ chưa chính thức dự đoán người thắng bang Pennsylvania, qua đó có thể biết được người thắng chung cuộc cuộc bầu cử Mỹ song theo Guardian, ê-kíp của ông Joe Biden đã tung thông điệp mừng chiến thắng lên Twitter.
Trong khi đó, đài CNN đưa tin vùng phòng không quốc gia đang được thành lập bên trên nhà ông Biden ở TP Wilmington, bang Delaware. Đây là bước đầu tiên trong việc xác nhận một ai đó là tổng thống Mỹ. Thông báo trực tuyến của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết bán kính vùng cấm bay là 1,6 km có hiệu lực tới ngày 11-11. Dù vậy, cả Tổng thống Trump lẫn ê-kíp tranh cử của ông đều tỏ thái độ cứng rắn, không nhượng bộ trước diễn biến mới nhất ở bang Pennsylvania.
Tổng thống Donald Trump phát biểu về kết quả cuộc bầu cử trong phòng họp báo tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 5-11 Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, theo tờ The New York Times, từ thế bị dẫn trước, ông Biden dần dần bắt kịp rồi vượt qua ông Trump ở bang Georgia, nơi có 16 phiếu đại cử tri, khi quá trình kiểm phiếu sắp hoàn tất.
Lần cuối cùng một ứng viên Đảng Dân chủ chiến thắng ở bang Georgia là vào năm 1992 và vào năm 2016, ông Trump chiến thắng ở bang này với cách biệt 200.000 phiếu (5 điểm %) so với ứng viên Đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton.
Do vậy, nếu ông Biden giành chiến thắng ở Georgia, đây sẽ là bước chuyển chính trị quan trọng. Nếu thắng hai trong số các bang Georgia, Nevada, Arizona, Bắc Carolina hoặc chỉ cần thắng bang Pennsylvania, ông Biden có thể trở thành tổng thống với 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Hiện tỉ lệ phiếu đại cử tri giữa ông Biden và ông Trump là 264-214, theo hãng tin AP, đài Fox News (hoặc 253-214 do một số cơ quan truyền thông khác chưa "gọi tên" cựu phó tổng thống Mỹ ở bang Arizona). Trong khi đó, nếu muốn thắng, ông Trump phải giành được 3 trong số 4 bang Arizona, Bắc Carolina, Nevada, Georgia đồng thời phải thắng Pennsylvania.
Tuy còn phải mất nhiều ngày nữa để việc kiểm đếm phiếu kết thúc và chân dung người thắng cuộc hiện rõ nhưng hai bên đã có ít nhiều hành động để lộ kết quả. Trái với cuộc chiến pháp lý ồn ào phía Tổng thống Trump, ông Biden chỉ nói ngắn gọn với phóng viên hôm 5-11 (giờ địa phương): "Tôi mong mọi người bình tĩnh. Việc đếm phiếu vẫn đang diễn ra", đồng thời tuyên bố "phải đếm từng lá phiếu vì đó là ý chí của cử tri". Đến thời điểm này, ứng viên Đảng Dân chủ đã nhận được hơn 72 triệu phiếu phổ thông, con số kỷ lục trong lịch sử.
Trong lúc ông Biden đang thắng thế, báo Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết Mật vụ Mỹ đã triển khai thêm một đội đặc nhiệm bảo vệ ông Biden, sau khi chiến dịch tranh cử của ông thông báo với cơ quan này rằng ông có thể sắp ra tuyên bố quan trọng.
Tổng thống Trump không để yên
Dù đối thủ đang rộng cửa chiến thắng hơn song không vì thế mà Tổng thống Trump tỏ ra chịu lép vế. Trong khi quá trình kiểm phiếu tại các bang vẫn chưa khép lại, Tổng thống Trump đã tìm cách hạ thấp mức độ đáng tin cậy của cuộc bầu cử khi liên tục đưa ra những cáo buộc gây tranh cãi.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5-11, ông Trump tuyên bố nếu chỉ tính số phiếu bầu hợp pháp thì ông là người chiến thắng. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Mỹ không hề đưa ra bằng chứng cho phát ngôn mình sắp thua vì bị gian lận. Các kênh truyền hình lớn của Mỹ như ABC, CBS, NBC lập tức ngừng phát sóng bài phát biểu của Tổng thống Trump vì cho rằng ông đưa ra những cáo buộc không có cơ sở.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và nữ phó tướng Kamala Harris phát biểu tại nhà hát The Queen hôm 5-11. Ảnh: AP
Không chỉ bị ứng viên Đảng Dân chủ Biden phản ứng mạnh trên Twitter, bài phát biểu của ông Trump cũng gây chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger kêu gọi ông Trump dừng việc lan truyền thông tin sai lệch và gọi điều này là "điên rồ". Trái lại, hai Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Ted Cruz đã nhiệt tình ủng hộ những cáo buộc của ông Trump rằng Đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu trên kênh Fox News. Trong bối cảnh tình thế sáng sủa hơn cho ông Biden, theo tờ USA Today, các đồng minh của Tổng thống Trump bắt đầu kêu gọi các thành viên khác của Đảng Cộng hòa hỗ trợ ông nhiều hơn.
Việc không đưa ra được bằng chứng cho những cáo buộc của mình khiến cuộc chiến pháp lý mà ê-kíp của Tổng thống Trump khởi động ở hàng loạt bang chiến trường đã đi vào thế kẹt. Tại Georgia, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho rằng có 53 phiếu bầu gửi đến muộn nhưng vẫn được trộn chung với các phiếu đúng hạn. Ở bang Michigan, ê-kíp của ông Trump tìm cách ngăn cuộc kiểm phiếu và muốn giành quyền tiếp cận nhiều hơn đối với quá trình kiểm phiếu. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thua trong các cuộc chiến pháp lý tại các bang Georgia và Michigan giữa lúc tiếp tục đệ đơn kiện mới ở bang Nevada.
Ông Bob Bauer, cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử của ông Biden, chỉ trích các vụ kiện của phía ông Trump là cách đánh lạc hướng vô ích với mục đích phá hoại tính toàn vẹn của quá trình bầu cử. Ông Bauer khẳng định quá trình kiểm phiếu sẽ không dừng lại. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý về bầu cử đánh giá chiến lược của đội ngũ ông Trump không thể có tác động mang tính quyết định lên kết quả bầu cử.
Thách thức quá lớn cho chính phủ mới
Trong lúc cuộc bầu cử tiêu tốn hết 14 tỉ USD (theo tính toán của Trung tâm Chính trị đáp ứng) còn giằng co ở đoạn kết, đại dịch Covid-19 đã kịp lập thêm những kỷ lục buồn tại nước Mỹ.
Thống kê của Reuters cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ đã tăng vọt thêm hơn 120.000 ca trong ngày 5-11 (giờ địa phương) - một con số kỷ lục. Trong 7 ngày gần đây nhất đã có 3 ngày chứng kiến số ca nhiễm mới tăng hơn 100.000 ca. Đà tăng này diễn ra trên diện rộng nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng Trung Tây. Bình quân số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ là 850 người/ngày, tăng so với con số 700 của một tháng trước.
Tình hình này buộc một số thành phố và bang phải ban hành các biện pháp mới như giới nghiêm và thu hẹp số lượng người tụ tập, đồng thời nhiều gia đình cân nhắc việc ra ngoài ăn tối nhân dịp Lễ Tạ ơn vào ngày 26-11 tới. Tuy nhiên, ở cấp liên bang vẫn không có kế hoạch chung nào, bất chấp việc toàn quốc đã có hơn 9,6 triệu người mắc Covid-19, với hơn 234.000 người tử vong. Đến nay, theo Reuters, 17 trong số 50 bang ở Mỹ không yêu cầu đeo khẩu trang.
Mỹ hiện thiếu một chiến lược chống Covid-19 toàn quốc khiến cuộc chiến càng thêm khó khăn Ảnh: REUTERS
Đài CNN dẫn dự đoán của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết đến cuối tháng 11, số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ có thể chạm mốc 266.000 người. Còn theo bác sĩ Robert Murphy, giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Trường Y Feinberg, trong vòng 86 ngày nữa cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Donald Trump (vào ngày 20-1-2021), thêm 100.000 người Mỹ có thể mất mạng vì Covid-19 nếu chính quyền liên bang không hành động.
Thiếu một chiến lược chống dịch quốc gia sẽ khiến người Mỹ càng thêm nguy hiểm, khi mà mùa nghỉ lễ cuối năm đang đến - từ Lễ Tạ ơn, kỳ nghỉ đông của sinh viên đại học đến Giáng sinh… Một khi bùng phát dịch trong ký túc xá các trường đại học, Covid-19 sẽ theo chân sinh viên về nhà và lây nhiễm cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Theo Giám đốc CDC Robert Redfield, đây là lúc phải triển khai một chiến lược tốt hơn để phát hiện những người mắc Covid-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng. CDC ước tính có tới 40% người mắc Covid-19 ở Mỹ không có bất cứ triệu chứng gì.
Hải Ngọc
Bình luận (0)