Ba ngày sau đó, bà Cristina Fernandez chính thức khép lại nhiệm kỳ tổng thống Argentina thứ hai liên tiếp sau thất bại trước đối thủ theo đường lối cánh hữu Mauricio Macri. Còn tại Brazil, nữ Tổng thống Dilma Rousseff đang đối mặt nguy cơ bị luận tội liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014.
Tuy nhiên, tờ The Guardian (Anh) nhận định vẫn còn quá sớm để nói về sự thất thế của cánh tả, nhất là tại Venezuela. Trong cuộc bầu cử nói trên, tình hình kinh tế khó khăn, sự thiếu hụt nhu yếu phẩm, tỉ lệ tội phạm cao và cáo buộc chính phủ quản lý kém dường như là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của PSUV, chứ không phải do hệ tư tưởng.
“Người dân không quyết định về việc loại bỏ tổng thống hoặc thay đổi chính phủ hiện nay. Họ chỉ quyết định tạo ra một đối trọng của chính quyền” - ông Nicmer Evans, nhà phân tích chính trị người Venezula, nói với báo The Sydney Morning Herald (Úc).
Trong 14 năm nắm quyền, ông Hugo Chavez, người tiền nhiệm của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, nỗ lực hiện thực hóa cam kết về một xã hội công bằng hơn bằng cách sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ các chương trình phúc lợi mở rộng (nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe...). Dù vậy, giá dầu lao dốc khiến ông Maduro không thể duy trì chính sách trên, đồng thời góp phần làm kinh tế suy sụp.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá Venezuela là nền kinh tế được quản lý kém nhất thế giới, đồng thời dự báo GDP nước này sẽ giảm 10% năm nay và 6% năm tới, trong lúc lạm phát tăng vọt lên hơn 100% trong năm 2015.
Hiện thực u ám phần nào giảm ánh hào quang chiến thắng của phe đối lập. Ông Jesus Seguias, Giám đốc Công ty Thăm dò dư luận DatinCorp (Venezuela), nhận định: “Phe đối lập không nên cảm thấy mình là người hùng. Hầu hết cử tri bỏ phiếu không nhằm bầu chọn nhà lập pháp mà chỉ bày tỏ sự giận dữ về những chính sách kinh tế, an ninh của chính phủ” - ông Seguias nhận định.
Mặt khác, nhà phân tích chính trị nói trên hy vọng những vấn đề cấp bách của đất nước có thể là chất xúc tác để PSUV và MUD xích lại gần nhau. “Tình hình nghiêm trọng đến nỗi không thể giải quyết bằng cách đối đầu” - ông Seguias nói.
Thế nhưng, phản ứng của ông Maduro ngay sau bầu cử cho thấy khả năng bắt tay giữa 2 phe phái từng là kẻ thù trong thời gian dài còn khá xa vời. Ngoài việc công bố cải tổ nội các, nhà lãnh đạo này còn dọa phủ quyết bất kỳ kế hoạch nào của phe đối lập nhằm ân xá các chính khách đang ngồi tù. Có thể hiểu được thái độ cứng rắn này vì PSUV dù sao vẫn là một thế lực đáng gờm.
Ngay cả khi không còn chiếm đa số ghế trong quốc hội thì họ vẫn kiểm soát những nhánh còn lại của chính phủ, trong đó có tòa án tối cao và tòa án hiến pháp.
Bình luận (0)