Maldives là quốc gia nhỏ nhất châu Á, cả về diện tích đất liền lẫn dân số - khoảng 428.000 người. Thế nhưng, vị trí địa lý của Maldives khiến nước này trở nên quan trọng trong phần biển Ả Rập thuộc Ấn Độ Dương đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày một gay gắt. Maldives trải rộng trên 1.192 hòn đảo san hô, hợp lại thành chuỗi kép 26 đảo san hô vòng có diện tích hơn 90.000 km2.
Chuỗi đảo san hô trên là phần nhìn thấy của dải đất hẹp dưới mặt biển dài 960 km, chạy từ Bắc xuống Nam, làm cho nó gần như là một bức tường ngăn tàu thuyền từ phía Đông Ấn Độ Dương đi qua phía Tây.
Tại phần phía Nam và phía Bắc của chuỗi đảo này chỉ có 2 lối đi mà tàu thuyền có thể qua lại an toàn. Đây là những tuyến đường dùng để vận chuyển dầu mỏ ở Trung Đông đến các nước như Nhật Bản và Trung Quốc.
Riêng tuyến đường ở phía Bắc còn đông đúc tàu thuyền đi lại hơn giữa đảo Minicoy của Ấn Độ và đảo san hô ở cực Bắc Maldives. Địa thế này tạo cho Maldives một tầm quan trọng chiến lược vượt xa diện tích lãnh thổ nước này.
Mặc dù Anh đóng cửa các căn cứ của mình ở Maldives năm 1978, Mỹ vẫn còn duy trì sự hiện diện tại đảo san hô vòng Diego Garcia.
Nơi này dù chỉ rộng 35 km2 nhưng có đầy đủ cơ sở để phô trương sức mạnh của Mỹ tại khu vực. Nó có 2 đường băng song song dài 3.700 m, chỗ đậu cho các loại máy bay ném bom hạng nặng như chiếc siêu thanh B-1 Lancer và pháo đài bay B-52, các cơ sở biển đủ để chào đón những tàu hải quân lớn nhất trong hạm đội của Mỹ hoặc của Anh, các nhà chứa máy bay, các tòa nhà bảo dưỡng và 1 cảng hàng không, khu vực lưu trữ nhiên liệu khổng lồ và chỗ ăn ở tiện nghi cho gần 30.000 binh sĩ, nhân viên hỗ trợ. Vì thế, Mỹ nhất định sẽ không có cái nhìn thiện cảm trước bất kỳ sự hiện diện thường trực nào của Trung Quốc trong khu vực.
Maldives đã trải qua giai đoạn bất ổn chính trị từ năm 1965 đến 1978 trước khi Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, một nhân vật thân Ấn Độ, bắt đầu thời kỳ nắm quyền kéo dài 30 năm của mình.
Năm 2008, Mohamed Nasheed, nhân vật đối lập từng du học ở Anh, đã kế nhiệm ông Gayoom và 4 năm sau đó, ông Mohamed Waheed lên nắm quyền.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Waheed đã hủy quyết định của chính phủ tiền nhiệm về việc trao cho Công ty GMR (Ấn Độ) hợp đồng trị giá 500 triệu USD để quản lý sân bay quốc tế Male. Nhiều người ở Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc nhúng tay vào vụ này.
Từ đầu những năm 2000, báo chí Ấn Độ đã đưa tin Trung Quốc nỗ lực lập căn cứ hải quân tại chuỗi đảo phía Nam Maldives. Đảo san hô vòng Marao thường được xem là một trong những viên ngọc trong "chuỗi ngọc trai" đáng ngờ mà Trung Quốc xây dựng quanh Ấn Độ.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do ở Bắc Kinh hồi tháng 12-2017 Ảnh: PTI
Khi cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng lên - nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh thiết lập sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương một cách chậm rãi nhưng chắc chắn với một cảng đang được xây dựng ở TP Gwadar, tỉnh Balochistan - Pakistan và tại Djibouti - sự hiện diện của hải quân Trung Quốc gần các lối đi chiến lược qua bức tường đảo san hô vòng của Maldives có vẻ hợp lý hơn bao giờ hết.
Ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực lân cận vừa bị giáng đòn mạnh khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ký Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào ngày 8-12-2017.
Sự kiện này khiến chính phủ Ấn Độ kinh ngạc ngay cả khi New Delhi đã tự khen ngợi bản thân vì đối đầu với Trung Quốc ở cao nguyên Doklam trên biên giới Bhutan - Tây Tạng. Trung Quốc đã mở hầu bao và biến Maldives trở thành một thành phần trong chiến lược thương mại và cơ sở hạ tầng gọi là "Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Thêm vào đó, chính phủ của ông Yameen đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh nhằm thúc đẩy du lịch, cải thiện chăm sóc y tế và hỗ trợ đối phó biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là vấn đề rất quan trọng ở Maldives, quốc đảo có nguy cơ chìm dưới nước trong vòng vài thập kỷ tới.
Với Ấn Độ, câu hỏi đặt ra là có nên đối phó diễn biến trên lúc này hay không, nhất là khi New Delhi hiện có công cụ trong tay để ép Maldives làm theo ý của mình và cựu Tổng thống Nasheed đã kêu gọi Ấn Độ can thiệp.
Nếu không, Ấn Độ có thể tiếp tục chính sách truyền thống là không can thiệp công khai vào chuyện nội bộ nước khác. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ là có nên kiên trì với chính sách (không can thiệp) vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng tại khu vực với nhịp độ mạnh mẽ.
Ngay cả khi Ấn Độ xem xét các lựa chọn, có tin một hạm đội Trung Quốc gồm 11 tàu - trong đó có ít nhất 1 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ 30.000 tấn và 3 tàu cấp dầu - gần đây đã qua eo biển Sunda nằm giữa 2 đảo Java và Sumatra (Indonesia) để vào khu vực Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, hạm đội này đã chuyển sang hướng Đông tiến về phía eo biển Lombok giữa Bali và Lombok để trở lại biển Đông. Đây là nơi Ấn Độ muốn sức mạnh của Trung Quốc luôn luôn bị kiềm chế.
Bình luận (0)