Tình trạng "âm thịnh dương suy" đang đe dọa hơn 200.000 rùa biển xanh ở rạn san hô Great Barrier thuộc Úc - một trong những quần thể rùa biển xanh lớn nhất thế giới. Điều khiến không ít người bất ngờ là biến đổi khí hậu đang góp phần không nhỏ vào thực trạng này.
Nguy cơ tuyệt chủng
Không giống con người và hầu hết các loài động vật có vú khác, rùa biển xanh không phát triển thành giống đực hoặc giống cái dựa vào nhiễm sắc thể giới tính. Thay vào đó, nhiệt độ bên ngoài ảnh hưởng đến giới tính của phôi thai rùa trong quá trình phát triển. Đối với rùa biển xanh, nhiệt độ thấp hơn 29,3 độ C thì trứng sẽ nở thành con đực và khi nhiệt độ cao hơn ngưỡng này sẽ là con cái. Vì thế, trong bối cảnh toàn cầu ấm dần lên, tương lai của loài rùa biển xanh có thể bị đe dọa.
Hàng ngàn con dơi cáo bay đã chết vì sốc nhiệt trong đợt nắng nóng vừa qua ở Úc Ảnh: FACEBOOK
Một cảnh báo được đưa ra trong công trình mới đăng trên Tạp chí Current Biology. Theo đó, các nhà nghiên cứu quan sát thấy quần thể rùa biển xanh con ở Great Barrier hầu hết là con cái. Cụ thể, có 2 quần thể rùa biển xanh khác nhau dọc theo rạn san hô Great Barrier. Ở những bãi biển ấm hơn tại phía Bắc, các nhà nghiên cứu nhận thấy con cái chiếm đến 99,1% số rùa non, 99,8% số rùa gần trưởng thành và 86,8% rùa trưởng thành. Xuống những bãi biển phía Nam có thời tiết mát mẻ hơn, tỉ lệ con cái của quần thể rùa biển xanh dao động từ 65%-69%. Nếu không chú ý đến tình trạng này, việc thiếu giống đực trong tương lai có thể gây hại đến quần thể rùa biển xanh.
Ông Michael Jensen, nhà sinh học biển thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) - đồng tác giả cuộc nghiên cứu nêu trên, cho biết chỉ cần chênh lệch vài độ C cũng đủ dẫn đến việc trứng rùa nở ra toàn đực hoặc cái. Theo ông Jensen, cuộc nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng vì nó cung cấp những hiểu biết mới về những gì các quần thể rùa biển xanh đang phải đối mặt.
"Đây là một trong những công trình nghiên cứu quan trọng nhất liên quan đến bảo tồn trong thập kỷ này. Sẽ không còn lâu nữa, có thể là trong vài thập kỷ hoặc một thế kỷ tới, các quần thể rùa biển sẽ thiếu hụt giống đực" - nhà sinh vật học David Owens tại Trường Cao đẳng Charleston (Mỹ) cảnh báo.
Não bị nướng chín
Thê thảm hơn nhiều là tình cảnh của loài dơi cáo bay trong đợt nắng nóng kinh hoàng ở Úc mới đây. Tại vùng ngoại ô Campbelltown thuộc bang New South Wales, nhiệt độ lên tới 44,2 độ C khiến hàng ngàn con dơi chết vì sốc nhiệt. Theo tờ The Washington Post, não của một số con thậm chí còn bị nướng chín.
"Nắng nóng làm ảnh hưởng đến não dơi, chúng bị nướng và không còn hoạt động" - bà Kate Ryan, chuyên gia tại địa phương, giải thích. Nhiệt độ chỉ cần cao hơn 30 độ C là đã có thể gây nguy hiểm cho dơi con bởi cơ thể của chúng mất khả năng điều chỉnh thân nhiệt. Ngoài ra, khu vực Campbelltown thiếu nước và bóng râm càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Nước Úc không xa lạ gì với tình trạng nắng nóng như trên nhưng biến đổi khí hậu đe dọa khiến hiện tượng thời tiết cực đoan này diễn ra thường xuyên hơn - theo ông Gerald Meehl, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ. Dễ hiểu khi các chuyên gia gắn liền số phận của loài dơi cáo bay với nhiệt độ tăng dần trên toàn cầu - năm 2017 được xem là năm nóng thứ 2 hoặc thứ 3 từng được ghi nhận, chỉ thua năm 2016. Theo chuyên gia về dơi người Mỹ Micaela Jemison, hơn 30.000 con dơi cáo bay đã thiệt mạng trong các đợt nắng nóng ở Úc trong giai đoạn 1994-2008.
Các nhà khoa học còn phát hiện mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và kích thước các loài động vật. Trong bối cảnh nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm, hệ sinh thái thay đổi khi nhiệt độ nóng dần lên, một số loài đang trở nên nhỏ đi, qua đó đe dọa không ít đến sự đa dạng sinh học của thế giới.
Trên Tạp chí Nature Climate Change (Anh), 2 nhà khoa học David Bickford và Jennifer Sheridan còn lập luận xu hướng thay đổi kích cỡ của sinh vật có thể tác động đến con người, đặc biệt là nếu nguồn thức ăn, như cá, bị ảnh hưởng. "Chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ những hậu quả của tình trạng một số loài động vật, thực vật đang nhỏ lại. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến sự đa dạng sinh thái và cuộc sống của con người" - 2 nhà nghiên cứu cảnh báo.
Bình luận (0)