Các nhà điều tra thuộc dự án "Các cô dâu của Mặt trời", được Trung tâm Báo chí châu Âu tài trợ, đã cố công tìm hiểu: Có phải biến đổi khí hậu đang tạo ra cả một thế hệ cô dâu nhí ở châu Phi?
Ở các ngôi làng miền Nam Malawi, một quốc gia Đông Phi, các cô dâu nhí và cha mẹ họ đều kể một câu chuyện tương tự nhau. Trong những năm gần đây, họ nhận thấy nhiệt độ tăng cao, các trận mưa khó dự báo hơn và đôi lúc lũ lụt xảy ra ở những nơi trước đây chưa từng lụt lội. Các gia đình từng có khả năng nuôi nấng con cái và cho chúng đi học nay kêu than họ đối mặt với tình cảnh không thể chịu đựng được.
Biến đổi khí hậu đã tạo ra một thế hệ cô dâu nhí ở châu Phi Ảnh: GUARDIAN
Chẳng ngôi làng nào biết cách ghi nhận những đổi thay về khí hậu một cách khoa học. Tất cả những gì họ biết là thời tiết đã thay đổi và nay họ không có tiền cho con gái tiếp tục học hành. Giải pháp duy nhất là ít nhất một đứa con gái trong nhà phải đi lấy chồng, bớt đi một miệng ăn. Đôi khi cha mẹ là người đưa ra quyết định trên. Cũng đôi lúc chính cô gái nhỏ tự quyết định và buộc cha mẹ phải chấp nhận. Sống trong cảnh không vui vẻ và thiếu ăn, cô bé hy vọng lấy chồng có thể là giải pháp.
"Chúng tôi không có những con số cụ thể nhưng tôi biết khoảng 30%-40% đám cưới trẻ con ở Malawi là do tình trạng lũ lụt và hạn hán gây ra bởi biến đổi khí hậu" - ông Mac Bain Mkandawire, nhà vận động cho quyền của phụ nữ và trẻ em ở địa phương, nhận định. Ông giải thích không có những con số thống kê cụ thể bởi trước đây chẳng ai liên kết 2 vấn đề này lại với nhau. Dù vậy, một báo cáo của chính phủ Malawi liệt kê tảo hôn là một trong những tác động phụ của các trận lũ lụt năm 2015.
Theo báo The Guardian (Anh), những con số được công bố có thể đánh giá chưa đúng quy mô vấn đề bởi nhiều đám cưới diễn ra không chính thức hoặc không được ghi vào hồ sơ. Thông thường, chúng đơn giản chỉ là sự thỏa thuận giữa 2 gia đình hoặc giữa chàng trai và cô gái nếu không có cha mẹ. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) năm 2015 từng cảnh báo số lượng cô dâu nhí ở châu Phi có thể tăng gấp đôi lên con số 310 triệu vào năm 2050 nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn.
Bình luận (0)