Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực các đảo quốc nhỏ tại vùng Nam Thái Bình Dương trở nên công khai và quyết liệt hơn với việc phía Mỹ lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Washington và các đảo quốc này, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-9.
Không chỉ vậy, Mỹ còn lần đầu tiên đưa ra chiến lược cho kiến tạo và phát triển quan hệ hợp tác của Mỹ với riêng các đảo quốc này.
Sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho các đảo quốc ở khu vực đại dương xa xôi này có nguyên do chính ở giá trị ngày càng tăng của các đảo quốc ấy trong chiến lược địa chính trị toàn cầu của các đối tác lớn bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Đảo quốc bé mà trọng lượng không nhẹ, đối tác nhỏ mà không thể bỏ đối với Mỹ bởi 2 nguyên do chính.
Thứ nhất, Mỹ đã toan tính và đang chơi cuộc chơi chính trị thế giới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, các đảo quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương không còn thuộc diện đối tác ở "vùng sâu, vùng xa" như trong cách tiếp cận lâu nay mà cùng với Úc và New Zealand tạo thành một trong những vùng trọng điểm chiến lược ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ hai, Mỹ phải gấp gáp hành động chinh phục các đảo quốc này khi thấy Trung Quốc nỗ lực - và đã đạt được thành quả ban đầu - quyến rũ các đảo quốc ấy.
Cho nên, có thể thấy những hoạt động ngoại giao của Mỹ trong thời gian qua ở khu vực các đảo quốc kia, cuộc gặp cấp cao đầu tiên vừa rồi ở Mỹ và chiến lược đầu tiên nhằm tới khu vực các đảo quốc ấy đều là những gì phía Mỹ vừa muốn làm vừa phải làm.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương ở Nhà Trắng hôm 29-9Ảnh: Reuters
Quần đảo Solomon và Quần đảo Marshall cũng không dám bất chấp Mỹ vì Trung Quốc. Họ cự tuyệt một vài mời chào của Mỹ cốt chỉ để làm cao với Mỹ và chơi con bài đối trọng trong khả năng có thể được.
Việc tung ra chiến lược riêng với cách tiếp cận và nội dung khác hẳn những gì Trung Quốc trước đó đã mời chào các đối tác này phát huy được công hiệu đắc lực đối với Mỹ.
Cuộc gặp diễn tiến không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió nhưng rồi cuối cùng cũng thành công đối với Mỹ. Tuyên bố chung bao gồm 11 điểm của sự kiện mở ra thời kỳ và cấp độ quan hệ hợp tác mới giữa hai bên.
Hiện có thể thấy 4 nét đặc trưng cho cách thức Mỹ "tỏ tình" với các đảo quốc nhỏ ở vùng Nam Thái Bình Dương.
Thứ nhất, Mỹ công khai thể hiện chủ ý, thiện chí tranh thủ và coi trọng tất cả các đảo quốc ở khu vực này, bất kể họ hiện quan hệ như thế nào với Trung Quốc.
Thứ hai, Mỹ tăng cường hiện diện trực tiếp ở khu vực về ngoại giao (mở thêm đại sứ quán thường trú ở một số nơi), tăng thêm viện trợ tài chính cho các đối tác này (810 triệu USD và sẽ còn thêm) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ hiện diện tại khu vực này, thể hiện rõ chủ ý cam kết lâu dài, hợp tác phát triển theo chương trình và từng bước thể chế hóa sự hợp tác này. Ngoại giao và viện trợ được đặc biệt coi trọng.
Thứ ba, Mỹ định hướng quan hệ hợp tác với các đảo quốc này tập trung vào những lĩnh vực và vấn đề hiện thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với các đảo quốc như chống biến đổi khí hậu trái đất, phát triển bền vững kinh tế và cơ sở hạ tầng...
Thứ tư, Mỹ dành cho các đảo quốc này vị trí và vai trò nhất định trong quá trình thực hiện chiến lược chung của Mỹ đối với khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tất cả những điều này tạo nên sức quyến rũ mà các đảo quốc khó cưỡng lại được.
Bình luận (0)