Hàng triệu người khắp thế giới đã xuống đường tuần hành nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5), phản đối tình trạng lương thấp và kêu gọi đối xử tốt hơn với người lao động.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm nóng khi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và những người thách thức lệnh cấm biểu tình trong ngày này. Ở Quảng trường Taksim của TP Istanbul, lực lượng an ninh phải đẩy lùi người biểu tình bằng vòi rồng và hơi cay song cũng nhận lại nhiều gạch đá. Đài RT (Nga) cho biết hàng chục người bị thương trong các vụ đụng độ này.
Các cuộc tuần hành cũng biến thành bạo lực tại Phnom Penh - Campuchia. Một số nhân chứng cho hãng tin AP biết cảnh sát đã dùng dùi cui để giải tán đám đông ủng hộ phe đối lập khiến 5 người bị thương.
Tại nhiều nơi khác, tuần hành diễn ra ôn hòa hơn. Ở Nga, hơn 2 triệu người đã xuống đường. Đáng chú ý là Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow lần đầu tiên chứng kiến cuộc diễu hành lớn trong ngày 1-5 kể từ năm 1991.
Theo hãng tin ITAR - TASS, người đứng đầu Liên hiệp Các Công đoàn độc lập Nga Mikhail Shmakov cho biết: “Các cuộc tuần hành được tổ chức tại 1.100 thành phố và quận trung tâm, thu hút hơn 2 triệu người tham gia và tôi hy vọng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe”.
Người lao động tại nhiều thành phố ở châu Á cũng tuần hành. Tại Indonesia, hơn 100.000 người tràn ngập đường phố của thủ đô Jakarta để yêu cầu tăng lương, chăm sóc sức khỏe tốt hơn và môi trường làm việc an toàn. Đây là năm đầu tiên Indonesia công nhận ngày Quốc tế Lao động là ngày lễ quốc gia. Thông điệp của người lao động sẽ càng được chú ý hơn bởi chỉ vài tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới.
Trong khi đó, tại thủ đô Manila của Philippines, đám đông người mặc áo đỏ tuần hành để bày tỏ sự tức giận đối với chính phủ của Tổng thống Noynoy Aquino. Họ chỉ trích chính sách kinh tế của ông làm “tổn thương” người lao động nghèo, đồng thời cáo buộc chính quyền thất bại trong hoạt động chống tham nhũng và cam kết xóa đói giảm nghèo.
Hàng ngàn người lao động khắp Bangladesh, trong đó có nhiều công nhân may mặc, xuống đường đòi cải thiện an toàn lao động sau vụ sập một tòa nhà hồi năm ngoái khiến hơn 1.100 người thiệt mạng. Đám đông giơ cao những biểu ngữ đòi xét xử chủ tòa nhà này và kêu gọi “không còn cái chết nào trong các nhà máy, xí nghiệp”.
Bình luận (0)