Tờ The Straits Times thống kê ông Carter sử dụng từ "nguyên tắc" không dưới 37 lần trong bài phát biểu của mình.
Trong phần trả lời sau bài phát biểu, ông Carter nhận được câu hỏi của bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), rằng Mỹ sẽ hành động ra sao nếu Trung Quốc có tiếp tục cải tạo đất ở bãi cạn Scarborough của Philippines.
“Tôi hi vọng điều này không xảy ra bởi nếu Trung Quốc làm vậy, Mỹ cũng như các quốc gia trong khu vực sẽ hành động, khiến cho khu vực thêm căng thẳng còn Trung Quốc bị cô lập" - ông Carter nói.
Phiên họp đầu tiên này có chủ đề "Đương đầu những thách thức an ninh phức tạp của châu Á”.
Ngay đầu bài phát biểu, ông Carter đã nhấn mạnh: "Căng thẳng đang gia tăng trong khu vực và ngay trong khán phòng này" vì các hành động của Trung Quốc.
Mạng lưới an ninh
Ông kêu gọi Trung Quốc "tham gia mạng lưới an ninh có nguyên tắc" ở châu Á. Theo Bộ trưởng Carter, căng thẳng trên biển Đông (nơi Trung Quốc đang bồi lấn phi pháp đảo nhân tạo), chương trình hạt nhân Triều Tiên và chủ nghĩa cực đoan là những thách thức an ninh cho khu vực.
Do đó, các nước phải cùng đảm bảo "một tương lai tích cực, có nguyên tắc". "Mạng lưới an ninh có nguyên tắc", theo ông Carter, sẽ là "làn sóng an ninh tiếp theo ở châu Á - Thái Bình Dương" giúp bảo vệ khu vực khỏi các nguy cơ, kể cả biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh Mỹ và nhiều nước châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để chống lại "sự cưỡng ép và đe dọa". "Dù Mỹ sẽ vẫn là cường quốc quân sự và đảm bảo an ninh ở khu vực trong nhiều thập kỷ tới song chúng tôi đang tăng cường các mối quan hệ song phương để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng".
Về phía Trung Quốc, ông Carter khẳng định "một số hành động bành trướng và khó lường" của nước này trong các vấn đề biển Đông, không gian mạng... đã gây ra lo ngại. Ông kêu gọi Bắc Kinh đi theo xu hướng của khu vực, nếu không sẽ tự xây Vạn lý trường thành cô lập mình.
Mỹ sẽ ở lại châu Á
Phản bác lại các lo ngại Mỹ sẽ rời châu Á, ông Carter quả quyết sẽ không có chuyện đó. "Khu vực này chiếm tới gần phân nửa dân số thế giới và gần phân nửa kinh tế toàn cầu, do đó nó rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của riêng Mỹ" - ông nói.
"Bất chấp những gì sẽ xảy ra tại Mỹ và trên thế giới, Mỹ sẽ vẫn duy trì sự hiện diện kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. (...) Điều này là vì lợi ích của Mỹ chứ không phụ thuộc vào chính sách của bất cứ đảng phái nào" - ông Carter ám chỉ tới chính sách ngoại giao "Nước Mỹ trên hết" của tỉ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa. Ông Trump chủ trương rút quân khỏi châu Á.
Cũng trong bài phát biểu, ông Carter nói sẽ xây dựng niềm tin với Trung Quốc thông quan hợp tác quốc phòng. Ông sẽ thăm Bắc Kinh trong năm nay theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, theo ông, Mỹ và Lào đã đồng ý cùng tổ chức cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Hawaii vào tháng 9 tới.
Giống như năm ngoái, Đối thoại Shangri-la 2016 dự kiến tập trung thảo luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Tờ Straits Times (Singapore) cho biết năm nay có tổng cộng 612 đại biểu từ các nước ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ tham dự hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
Trong khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế này bằng cách điều máy bay, tàu chiến tiếp cận trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bồi lấn phi pháp của Bắc Kinh.
Bình luận (0)