Theo Reuters, hội nghị an ninh lớn nhất châu Á này sẽ tiếp tục chứng kiến sự đối đầu sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh cũng như thông tin Trung Quốc sắp lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho trang Stars and Stripes hay việc Bắc Kinh lập ADIZ là hành vi khiêu khích song Washington sẽ không để điều này ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của họ.
Giới quan sát cho rằng SLD là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ trước khi PCA ra phán quyết. Theo đó, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các nước Đông Nam Á và những nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản công khai ủng hộ một phán quyết có lợi cho Philippines. Ngược lại, Trung Quốc - vốn lớn tiếng không chấp nhận vụ kiện - sẽ gây sức ép để các nước không đưa ra quan điểm công khai nhằm dễ bề đẩy lùi những chỉ trích từ phương Tây.
Tuy nhiên, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), cảnh báo cách hành xử đó sẽ khiến Trung Quốc trả giá. “Giá trị của vụ kiện là áp lực và sự tổn hại về uy tín lâu dài đối với Trung Quốc. Nhưng điều đó chỉ đạt được khi xây dựng một khối liên minh lớn có thể thu hút sự chú ý của dư luận” - ông Poling nhận định.
Ngay trong ngày 2-6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang đã “nhắc khéo” Mỹ không nên quyết định chính sách biển Đông dựa trên những gì đồng minh yêu cầu mà phải giữ lời hứa không đứng về phía nào trong tranh chấp. Phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị kéo dài 3 ngày này do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu, trong khi lãnh đạo đoàn Trung Quốc là Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc. Tại SLD năm ngoái, ông Tôn hầu như chỉ trình bày các luận điểm được chuẩn bị trước, bất chấp nhiều câu hỏi từ phía các đại biểu quốc tế.
Trong số hơn 20 phái đoàn tham gia SLD, lập trường của các quốc gia Đông Nam Á được quan tâm hơn cả. Các nước ASEAN gần đây đã gắn kết hơn nhưng vẫn khó thống nhất trong quan điểm đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Theo Reuters, tình hình sẽ được “bắt mạch” trước tiên thông qua bài phát biểu khai mạc SLD của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. “Chính sách của Thái Lan phần nào phản ánh được tình hình trong khu vực” - chuyên gia an ninh Tim Huxley thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh), đơn vị tổ chức SLD, nhận định.
Thái độ của Philippines cũng đáng chú ý, đặc biệt khi nước này nhiều khả năng điều chỉnh lập trường với sự lên nắm quyền của Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte. Trả lời Reuters ngày 1-6, ông Perfecto Yasay, người được ông Duterte chỉ định làm ngoại trưởng sắp tới của Philippines, nói rằng Manila sẽ không xa rời đồng minh Mỹ nhưng cũng không cúi đầu trước bất kỳ quốc gia nào.
Ngoài biển Đông, nhiều chủ đề nổi cộm khác cũng được thảo luận tại SLD, bao gồm chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á. Ngoài ra, an ninh mạng cũng là chủ đề nóng sau những vụ tấn công nhắm vào nhiều ngân hàng lớn từ Bangladesh cho đến Ecuador.
Bình luận (0)