Khoảng 500 đại biểu gồm quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng - an ninh, ngoại giao, các chuyên gia quốc phòng - an ninh... từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ tham dự Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore. Hội nghị kéo dài từ ngày 10 đến ngày 12-6.
Phát biểu khai mạc sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố “sự chuyển đổi sang ngoại giao thực tế” để giúp Tokyo đối phó với những nguy cơ trong “một thế giới đang bị lung lay”. “Tầm nhìn Kishida vì Hòa bình sẽ tăng cường ngoại giao và an ninh của Nhật Bản” - ông nhấn mạnh.
Theo ông Kishida, chính sách ngoại giao tích cực của Nhật Bản sẽ được hỗ trợ bởi cam kết được đưa ra vào đầu tuần này, đó là đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới cũng như viện trợ cho các quốc gia châu Á, bao gồm cung cấp tàu tuần tra, để giúp họ bảo vệ an ninh hàng hải.
Ông Kishida còn đề cập tới Triều Tiên, quốc gia đã thực hiện ít nhất 18 đợt thử vũ khí trong năm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Straits Times
Các đại biểu theo dõi bài phát biểu của Thủ tướng Kishida tại Đối thoại Shangri-La ngày 10-6. Ảnh: Reuters
Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra tại khách sạn Shangri-La của Singapore. Ảnh: The Straits Times
Trước buổi khai mạc vào tối 10-6, trước đó cùng ngày đã diễn ra nhiều cuộc gặp song phương bên lề hồi nghị.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định với những người đồng cấp Đông Nam Á về cam kết mạnh mẽ của Washington đối với khu vực thông qua việc duy trì môi trường an ninh cởi mở và dựa trên luật lệ.
Báo The Straits Times dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Singapore dẫn lời ông Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Washington cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN+ (ADMM+), một diễn đàn thường niên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và 8 quốc gia đối tác khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng tái khẳng định các nguyên tắc làm nền tảng cho mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và ASEAN, đồng thời cho biết ông mong muốn tăng cường hợp tác với Washington để giải quyết những thách thức an ninh xuyên quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (hàng sau, thứ 3 từ trái qua) cùng các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Singapore ngày 10-6. Ảnh: The Straits Times
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-La ngày 10-6. Ảnh: Reuters
Đáng chú ý, Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Nguỵ Phượng Hoà, cũng đã gặp nhau trực tiếp. Hai vị bộ trưởng cố gắng đảm bảo rằng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không lan rộng thành hiểu lầm quân sự hoặc tuyên truyền thông tin sai lệch.
Ông Nguỵ cho biết các cuộc thảo luận "diễn ra suôn sẻ". Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó cho hay ông Nguỵ đã nhắc lại lập trường kiên định của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phan Văn Giang, sẽ tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 ngày 11-6 với chủ đề về hiện đại hóa quân sự.
Cảnh sát đứng gác tại lối vào khách sạn Shangri-La ngày 10-6. Ảnh: Reuters
Kiểm tra phương tiện tham dự Đối thoại Shangri-La 2022. Ảnh: Reuters
Nhân viên an ninh tại Đối thoại Shangri-La 2022. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)