Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hàng đầu châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 tại Singapore sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Khoảng 500 đại biểu từ 42 quốc gia - gồm hơn 60 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao - sẽ tham dự hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức dưới hình thức trực tiếp.
Bộ Quốc phòng Singapore hôm 9-6 tuyên bố Đối thoại Shangri-La đề ra nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề và sáng kiến quốc phòng và an ninh.
Giám đốc điều hành IISS ở khu vực châu Á James Crabtree cho biết hội nghị là nơi để các quan chức quốc phòng cấp cao đề xuất các giải pháp mang tính xây dựng vào thời điểm lòng tin suy giảm và căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới xấu đi trong những tháng gần đây vì bất đồng hàng loạt vấn đề gồm biển Đông và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Theo tờ Straits Times (Singapore), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong ngày 11-6 trước khi người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương một ngày sau đó.
Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 tại Singapore Ảnh: STRAITS TIMES
Bên lề hội nghị, hai quan chức quốc phòng Mỹ - Trung Quốc dự kiến có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Quan chức cấp cao Mỹ nói với Reuters rằng nội dung cuộc gặp sẽ tập trung vào vấn đề cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu trong khi truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ thảo luận về việc hợp tác với Mỹ.
Bà Meia Nouwens, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tại IISS, đánh giá: "Vấn đề quan trọng trong năm nay chắc chắn là mối quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung".
Đối thoại Shangri-La được xem là nơi để các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và Trung Quốc gặp mặt và nỗ lực giảm thiểu các hành động thù địch. GS Dylan Loh thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định dù khả năng hai bên đạt được kết quả đáng kể trong cuộc họp năm nay không cao nhưng đó sẽ là một bước nhỏ trong việc khôi phục kênh liên lạc thường xuyên hơn.
Tuy hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các vấn đề an ninh châu Á nhưng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cũng sẽ là trọng tâm thảo luận. Theo một nguồn tin nắm rõ danh sách những người tham dự, Ukraine sẽ cử phái đoàn tới hội nghị trong khi phía Nga không có đại diện nào.
Ông Li Mingjiang, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định Mỹ sẽ sử dụng cơ hội này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Nga. Tuy nhiên, ông Austin cũng sẽ đối mặt áp lực thuyết phục các nước ở châu Á tin tưởng vào những cam kết của Washington trong bối cảnh Mỹ đổ dồn nguồn lực chính trị và quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bên cạnh đó, vấn đề Triều Tiên cũng sẽ là một trong những chủ đề nổi cộm, nhất là sau hàng loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Trong ngày 10-6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến có bài phát biểu quan trọng khai mạc Đối thoại Shangri-La, trong đó kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận (0)