Phát biểu tại sự kiện ở Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Quan điểm của Việt Nam về tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc" tại Đối thoại Shangri-La lần 19. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam chủ trương tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược với các nước; luôn mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng, để nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của thế giới, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đối với tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông, theo TTXVN, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết Việt Nam kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.
Bình luận (0)