Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt trên biển Đông, sẽ càng gay gắt hơn sau khi Washington thông qua đạo luật khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực này. Giới quan sát cho rằng Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) - được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành trong tuần rồi - là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn duy trì quan hệ với các đồng minh trong khu vực cũng như thuyết phục họ đối đầu với Trung Quốc nếu cần.
Theo đạo luật, Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết an ninh với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và sẽ chi 1,5 tỉ USD/năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Mỹ cũng sẽ thiết lập các quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á. Một phần trong chiến lược của Mỹ sẽ là hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng các đồng minh ở biển Hoa Đông và biển Đông. Đạo luật cũng cho phép Mỹ trừng phạt các tổ chức hoặc chính phủ đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ - một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng bất chấp căng thẳng đang xuống thang trong thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA cho thấy nơi này sẽ chứng kiến tác động từ từ của đạo luật này lên sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á. Chuyên gia này nhận định với tờ The South China Morning Post (Hồng Kông): "Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu giữa Mỹ - Trung, ngay cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Donald Trump không thực sự thực thi đạo luật này".
Tàu khu trục USS Decatur (trái) đang được tiếp nhiên liệu. Đây là con tàu suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc trong đợt tuần tra biển Đông trong năm 2018 Ảnh: WIKIPEDIA
Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng bất đồng về vấn đề biển Đông. Tàu chiến của hai nước đã xảy ra ít nhất một vụ suýt va chạm nguy hiểm tại vùng biển chiến lược này trong năm qua. Dấu hiệu cho thấy sự đối đầu đó vẫn tiếp diễn là việc quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hồi tuần rồi nói với các nhà lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc rằng Trung Quốc sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ - Trung vẫn chưa hết gây lo ngại trong khu vực, đến nỗi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng 11 năm ngoái lên tiếng cảnh báo các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn đứng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc.
Ông Koh cho rằng sự can thiệp của các đồng minh khu vực của Mỹ có thể khiến Trung Quốc đau đầu hơn nữa. Chuyên gia này nói: "Đề cập đến khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt, có thể dự đoán được rằng sức ép chiến lược không chỉ xuất phát từ Mỹ mà ARIA dường như cũng nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác của Washington".
Trong khi đó, ông Tony Nash, Giám đốc Công ty Nghiên cứu Complete Intelligence (Mỹ), cho rằng việc ký ARIA đồng nghĩa với "Mỹ có bạn bè". "Tình bạn này dựa trên những cam kết chính trị, kinh tế, quân sự hiện tại chứ không phải các khoản vay hàng tỉ USD. Điều này cho thấy thực tế đối lập với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc đang xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. ARIA thể hiện cam kết của Washington với khu vực" - ông Nash thông tin.
Có quan điểm tương tự với ông Nash, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn Tư vấn chính sách toàn cầu Rand (Mỹ), nói: "Đây là ví dụ hữu hình nhất cho sự lo lắng thực sự trong chính phủ Mỹ về ảnh hưởng ngày càng lớn và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trước mắt Mỹ với các đồng minh và đối tác". Theo chuyên gia này, đạo luật có thể được xem là bước đi đẩy lùi hành vi xấu của Trung Quốc.
Đạo luật ARIA được ban hành trong bối cảnh sắp hết 90 ngày "hòa hoãn" cho phép Washington và Bắc Kinh đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đạo luật này không phải chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc nhượng bộ thương mại.
Mối nguy từ những tàu cá
Quân đội Mỹ gần đây cảnh báo rằng những chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc là "những kẻ bắt nạt" có thể gây chiến tranh trên các vùng biển quốc tế.
Bài viết đăng vào tháng rồi trên trang Diagolo do Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ điều hành, đã nhấn mạnh "sự thèm ăn vô độ" của Trung Quốc đối với hải sản đang khiến các quốc gia Nam Mỹ khó xử trong việc bảo vệ ranh giới chủ quyền trên biển. Theo đó, các quốc gia trên bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng và hầu hết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực này đều đến từ các tàu đánh cá Trung Quốc.
Ông Juan Carlos Sueiro - đại diện ngành ngư nghiệp của Peru tại tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đại dương Oceana - nói với Dialogo rằng Peru và Argentina đã từng chứng kiến "những đoàn thuyền đánh cá lớn nhất thế giới" của Trung Quốc. "Không phải là họ không thể đánh bắt ở vùng biển quốc tế nhưng việc họ tiếp cận quá gần ranh giới các quốc gia khác đã gây tranh cãi. Điển hình là tổ chức Oceana đã phát hiện tàu cá Trung Quốc đi vào lãnh hải Peru mà không có giấy phép hoặc dùng giấy tờ sao chép để xâm nhập trái phép" - ông Suiero giải thích.
Cũng theo ông Suiero, tổ chức này còn phát hiện những tàu đông lạnh chở cá đánh bắt được và nhiên liệu của các tàu cá Trung Quốc cũng như những hoạt động trung chuyển này có thể "rửa tiền" từ những hoạt động đánh bắt cá trái phép.
Trữ lượng cá xung quanh Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong vài năm qua. Nhưng Bắc Kinh đã cho phát triển những đoàn tàu đánh bắt xa bờ và chúng đã vướng vào các vụ mâu thuẫn trên các vùng biển xa xôi như tận Argentina hay châu Phi… Trong bài viết đăng tên Diaologo vào tháng 9-2017, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James -Stavridis nói rằng Bắc Kinh đang chi hàng trăm triệu USD hằng năm để trợ cấp cho đội tàu đánh cá xa bờ nước này và thậm chí lực lượng bảo vệ bờ biển của họ còn thường xuyên hộ tống những con tàu đó, trong khi họ đánh bắt cá bất hợp pháp.
Ngân Thương
Bình luận (0)