Ấn Độ, cường quốc sản xuất vắc-xin mạnh nhất thế giới, đang tặng hàng triệu liều cho những quốc gia láng giềng kể cả thân thiện lẫn lạnh nhạt nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Bắc Kinh. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ nhờ nguồn dầu mỏ dồi dào, UAE đang thay mặt các nước đồng minh thu mua vắc-xin.
Vắc-xin Covid-19, một trong những mặt hàng được săn lùng gắt gao nhất thế giới, đã trở thành "đơn vị tiền tệ mới" đối với ngoại giao quốc tế. New Delhi đã gửi vắc-xin đến Nepal trong bối cảnh quốc gia này ngày càng nghiêng về phía Bắc Kinh. Trong khi đó, Sri Lanka, quốc gia mắc kẹt giữa cuộc chiến ngoại giao Ấn - Trung, đang nhận được vắc-xin của cả 2 nước này.
Dù vậy, chiến lược nói trên ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là khi cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc còn có gánh nặng tiêm chủng cho lượng dân số khổng lồ của riêng mình. Sự không hài lòng trong nước hiện chưa rõ ràng song điều này có thể thay đổi khi người dân của họ chứng kiến những liều vắc-xin quý giá được bán hoặc tặng cho nước ngoài.
Nhân viên y tế Palestine đứng cạnh lô vắc-xin Sputnik V của Nga, được UAE gửi đến vào ngày 21-2 Ảnh: REUTERS
"Người dân Ấn Độ vẫn đang thiệt mạng, vẫn đang nhiễm Covid-19. Tôi có thể thấu hiểu nếu nhu cầu trong nước được đáp ứng trước khi đem tặng vắc-xin" - chuyên gia Manoj Joshi của Tổ chức Nghiên cứu Giám sát (Ấn Độ) khẳng định.
Tuy nhiên, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á (Singapore) Raja Mohan cho rằng New Delhi "sáng suốt" khi sử dụng vắc-xin để cải thiện các mối quan hệ, bởi vắc-xin có thời hạn sử dụng và "bạn không thể tiêu thụ mọi liều tiêm mà bạn sản xuất trong thời gian ngắn".
Chiến lược ngoại giao vắc-xin được đẩy mạnh giữa lúc Mỹ và những quốc gia giàu có đang thu gom nguồn cung trên toàn thế giới. Cùng lúc, những nước nghèo hơn "điên cuồng tìm kiếm" nguồn cung của riêng mình - một sự bất bình đẳng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có thể đẩy thế giới tới "bờ vực của suy đồi đạo đức".
Tương tự Trung Quốc và Ấn Độ, Nga hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu vắc-xin nội địa nhưng vẫn xuất khẩu sang nước khác. Vắc-xin Sputnik V của họ đã được cấp phép sử dụng ở hơn 25 quốc gia, bao gồm Argentina và Hungary, biến vắc-xin này trở thành sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới, qua đó gia tăng đáng kể "quyền lực mềm" của Moscow. Chuyên gia Konstantin Sonin của Trường ĐH Chicago (Mỹ) khẳng định sau kỳ World Cup 2018, Sputnik V chính là công cụ để Nga quảng bá đất nước.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc khảo sát thực trạng Đông Nam Á 2021 được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (trụ sở Singapore) công bố mới đây, Đông Nam Á có quan điểm trái chiều về chiến lược ngoại giao Covid-19 của Trung Quốc. Mặc dù 44,2% người tham gia thừa nhận Bắc Kinh hỗ trợ nhiều nhất cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Đông Nam Á, hơn 70% thể hiện sự lo ngại đối với tầm ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Bình luận (0)