Theo Reuters, trong phiên bản TPP sau cùng được công bố ngày 21-2, hơn 20 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc thay đổi, bao gồm quy tắc về sở hữu trí tuệ do Washington đề xuất.
Hồi đầu năm ngoái, TPP (trong đó có 12 thành viên) đã rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thoả thuận với lý do bảo vệ công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
11 nước còn lại (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã hoàn thành hiệp định thương mại sửa đổi gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hồi tháng 1. Dự kiến CPTPP sẽ được ký kết tại Chile vào ngày 8-3 sắp tới.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nói về văn bản TPP sửa đổi hôm 21-2. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận này sẽ giúp giảm thuế đối với các nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu – khoảng 10 ngàn tỉ USD. Nếu có thêm Mỹ, các nền kinh tế này sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu.
GS Luật tại Trường ĐH Sydney (Úc) Kimberlee Weatherall cho biết những thay đổi lớn trong CPTPP là việc đình chỉ một số điều khoản gây tranh cãi, đặc biệt là về dược phẩm. Những điều khoản này trước đó được đưa vào TPP-12 theo yêu cầu của phía Mỹ, chẳng hạn quy tắc tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ dược phẩm. Song các chính phủ và nhà hoạt động lo ngại điều này sẽ làm tăng chi phí thuốc men.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker phát biểu hôm 21-2: "CPTPP đã trở nên quan trọng hơn bởi sự hoạt động hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng bị đe dọa".
Tháng trước, Tổng thống Trump nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ rằng Washington có thể "quay lại" nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Parker cho hay khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP trong vòng vài năm tới là "rất khó xảy ra". Thậm chí nếu Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP, cũng không có gì đảm bảo tất cả thành viên sẽ dỡ bỏ những hạn chế đối với yêu cầu do nước này đề xuất.
Quan chức này cho biết thêm thỏa thuận có thể có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Bình luận (0)