Nửa đêm 30-9 (giờ địa phương) - thời điểm kết thúc tài khóa 2013 của Mỹ, Nhà Trắng đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ liên bang ngừng hoạt động sau khi lưỡng viện Quốc hội không đạt được thỏa thuận về gia hạn ngân sách.
Chiều 30-9, Thượng viện Mỹ do phe Dân chủ chiếm đa số đã bác bỏ dự luật ngân sách tạm thời mà hạ viện thông qua tối 28-9. Dự luật này cho phép chi 986 tỉ USD để chính phủ liên bang hoạt động cho tới ngày 15-12, đổi lại Đạo luật Chăm sóc y tế - thường gọi là Obamacare - bị trì hoãn 1 năm và hủy bỏ đánh thuế 2,3% đối với các thiết bị y tế từ ngày 1-1-2015.
18 lần đóng cửa
Đây không phải lần đầu chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Tính cả lần này thì họ đã bị ngừng hoạt động 18 lần kể từ năm 1976. Lần đầu tiên rơi vào năm 1976 dưới thời Tổng thống Gerald Ford và kéo dài 11 ngày (từ 30-9 đến 11-10). Năm 1977 xảy ra đến 3 lần đóng cửa, kéo dài tổng cộng 28 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 30-9 đến 9-12.
Thời gian đóng cửa ngắn nhất là 1 ngày, rơi vào ngày 1-10-1982. Lần dài nhất là 21 ngày, từ 16-12-1995 đến ngày 6-1-1996, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. 2 tổng thống “vô địch” về khoản chiến đấu với đóng cửa chính phủ là Jimmy Carter và Ronald Reagan, mỗi vị 6 lần trong thời gian tại nhiệm.
Tuy nhiên, đóng cửa ở đây không có nghĩa là toàn bộ chính phủ liên bang Mỹ tê liệt. Các hoạt động thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh quốc gia hay năng lượng hạt nhân vẫn sẽ được duy trì. |
Tối cùng ngày, bản dự thảo ngân sách thứ ba được hạ viện trình lên Thượng viện Mỹ, lần này bổ sung điều kiện loại bỏ trợ cấp y tế cho các nghị sĩ, nhân viên quốc hội và tổng thống. Nhưng chưa đầy một giờ sau, nó đã bị thượng viện gửi trả về.
Trước thời khắc cuối cùng, hạ viện tung ra nỗ lực cuối khi đề nghị thành lập một ủy ban lưỡng viện để đàm phán. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại thượng viện Harry Reid khước từ với lý do không muốn đàm phán trong tình cảnh "bị súng kề đầu". Thay vào đó, ông Reid kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa hãy thông qua phương án đã được thượng viện đồng thuận, theo đó gia hạn ngân sách liên bang đến ngày 15-11 mà không có điều kiện nào kèm theo.
Không có thỏa thuận nào đạt được và báo chí khắp thế giới liên tiếp chạy tít: "Chính phủ Mỹ đóng cửa". Chỉ 10 phút trước khi chính phủ Mỹ chính thức ngưng hoạt động, giám đốc Văn phòng Quản lý về ngân sách của Nhà Trắng, bà Sylvia Mathews Burwell, thúc giục: "Các cơ quan chính phủ liên bang ngay lập tức phải lên kế hoạch đóng cửa do thiếu ngân sách phân bổ".
Cái hẹn lúc nửa đêm trôi đi cũng là lúc 2 phe Cộng hòa và Dân chủ “nhai lại” trò chơi muôn thuở: đổ lỗi cho nhau.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner thanh minh: “Hạ viện đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã thông qua một dự thảo luật ngân sách vào tối 28-9 nhưng thượng viện lại không làm việc vào ngày hôm sau. Nếu đây là một trường hợp khẩn cấp thì họ đã ở đâu?”. Đáp lại, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại hạ viện, cáo buộc đây là kế hoạch của Đảng Cộng hòa.
Thiệt hại ít nhất 300 triệu USD/ngày
Ngay sau khi chính phủ Mỹ chính thức bị đóng cửa, Tổng thống Obama đã gửi thông điệp video tới các binh sĩ đóng quân trên toàn thế giới. Ông cam kết sẽ hối thúc quốc hội mở lại chính phủ sớm nhất có thể, đồng thời trấn an các binh sĩ vẫn sẽ được trả lương dù có thể bị chậm. “Thật không may là quốc hội đã không làm tròn trách nhiệm. Quốc hội thất bại trong việc thông qua ngân sách cho chính phủ và kết quả là phần lớn các cơ quan của liên bang phải đóng cửa cho đến khi được cấp tiền” - ông Obama phát biểu với binh sĩ.
Nhiều công viên quốc gia, địa điểm du lịch bị đóng cửa - bao gồm tượng Nữ thần Tự do -
sẽ gây thất thu khoảng 30 triệu USD/ngày. Ảnh: REUTERS
Đồng USD trên thị trường ngày 1-10 vẫn vững vàng, song theo dự đoán của hãng nghiên cứu IHS, nền kinh tế số một thế
Khởi động Obamacare
Từ khi nắm hạ viện vào năm 2010 đến nay, phe Cộng hòa đã kiên trì chống lại đạo luật Chăm sóc y tế - thường được gọi là Obamacare - với hơn 40 lần bỏ phiếu chống hay trì hoãn. Nhưng cơ hội chiến thắng của họ khá ít ỏi vì người dân Mỹ chính thức đăng ký Obamacare vào ngày 1-10, theo đúng kế hoạch.
Được quốc hội thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật năm 2010, đạo luật cải cách y tế quy định tất cả người Mỹ đều phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014. Hiện nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế. Obamacare hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm. Để có kinh phí nuôi chương trình, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm cũng như đánh thuế 2,3% đối với thiết bị y tế từ ngày 1-1-2015.
Tầng lớp người giàu và các nghị sĩ Cộng hòa phản đối Obamacare gay gắt vì cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỉ USD tiền thuế đối với người Mỹ |
giới sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD/ngày khi chính phủ ngừng hoạt động. Đây có thể chỉ là một phần nhỏ với nền kinh tế 15.700 tỉ USD nhưng nếu kéo dài chừng 3 tuần thì sẽ “bào mòn” khoảng 0,9% tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV năm nay, theo Công ty Goldman Sachs. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Brian Kessler của Công ty Moody's Analytics ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 55 tỉ USD cho 3 - 4 tuần đóng cửa.
Bao giờ chính phủ Mỹ mở cửa trở lại? Câu trả lời là: “Khó nói”, bởi lẽ khủng hoảng này là do xung đột quan điểm chứ không phải trục trặc kỹ thuật. Đến giờ phút này, chưa thấy chút ánh sáng nào le lói cuối đường hầm. Thượng viện Mỹ sẽ họp lại vào 9 giờ 30 phút sáng 1-10 (giờ địa phương) để thảo luận tình hình.
Trong khi triển vọng mở cửa lại chính phủ vẫn mờ mịt, thêm một mối lo ngại khác được lưu ý, đó là hạn chót để quốc hội gia tăng trần nợ đang ở mức 16,7 ngàn tỉ USD vào ngày 17-10 tới.
Lỗi thuộc về ai?
Các nhà làm luật Mỹ đã khiến người dân nổi giận. Ông Ken Grifith, từ bang Kentucky, bùng nổ: “Tôi hoàn toàn thất vọng về các chính trị gia của chúng ta. Đất nước này được xây dựng dựa trên sự thỏa hiệp và chúng ta có Đảng Cộng hòa và Dân chủ nắm quyền. Vậy mà họ đang cư xử như những đứa trẻ mới lên 3”. Nhưng theo cử tri, lỗi thuộc về ai?
Năm 1996, chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất - đến 21 ngày - và Đảng Cộng hòa bị dư luận chỉ trích dữ dội. Hệ quả là ông Bill Clinton đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống. Lần này cũng vậy! Thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy khoảng 25% người Mỹ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa trong khi 14% nói đó là trách nhiệm của Tổng thống Obama và chỉ 5% quy trách nhiệm cho phe Dân chủ. Tương tự với thăm dò công bố ngày 30-9 của đài CNN, trong đó 46% người được hỏi đặt trách nhiệm lên vai phe Cộng hòa và 36% cho là ông Obama có lỗi.
Các nghị sĩ tại Đồi Capitol đã không đạt được thỏa thuận gia hạn ngân sách giúp duy trì hoạt động chính phủ liên bang
Ảnh: REUTERS
Điều này khiến nỗ lực kiểm soát luôn thượng viện trong cuộc bầu cử quốc hội Mỹ năm sau của Đảng Cộng hòa có vẻ càng trắc trở. Lần đóng cửa này càng tô đậm hơn tình trạng phân cực dữ dội trên chính trường Mỹ, như nhận định của nhà chiến lược John Feehery thuộc Đảng Cộng hòa: “Đóng cửa không phải là chuyện ghê gớm ở Mỹ bởi lẽ chúng ta có một chính phủ đa dạng quan điểm”.
Tuy nhiên, đáng nói hơn là sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Nhiều người tiếp tục chỉ trích thượng nghị sĩ Ted Cruz - người phát biểu “tràng giang đại hải” hơn 21 giờ để phản bác Obamacare - đã đẩy toàn đảng vào thế kẹt.
Khoảng 1 triệu người phải nghỉ việc không lương
Theo Reuters, một số đối tượng sau sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa:
Công chức liên bang: Ước tính có 800.000 - 1 triệu người có thể phải nghỉ việc không lương.
Tối đa 1 triệu nhân viên liên bang Mỹ sẽ phải nghỉ không lương Ảnh: REUTERS
Các công viên quốc gia như Yellowstone, Acadia, Grand Canyon sẽ buộc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc mất khoảng 750.000 lượt khách/ngày và tổn thất chừng 30 triệu USD/ngày.
Bộ Quốc phòng: Toàn bộ binh lính vẫn tiếp tục nhiệm vụ nhưng hàng ngàn nhân viên dân sự sẽ phải nghỉ việc.
Bộ Tư pháp: Khoảng 18.000 nhân viên (trong tổng số 114.486 người) phải nghỉ việc. Tố tụng hình sự vẫn tiếp diễn trong lúc chính phủ đóng cửa nhưng các tố tụng dân sự sẽ bị hoãn hoặc giảm số lượng xử lý.
Tòa án: Tòa án tối cao có thể tiếp tục hoạt động, còn các tòa liên bang “trụ” thêm 10 ngày trước khi tính toán lại vào ngày 15-10 tới.
Tổng cục Thuế (IRS): Hầu hết 90.000 nhân viên của IRS sẽ phải nghỉ việc.
Ngoài ra, theo hãng tin Bloomberg, khoảng ¾ trong tổng số 1.701 nhân viên của tổng thống Mỹ sẽ phải "ngồi chơi xơi nước". Đội chuyên gia an ninh quốc gia và kinh tế của tổng thống cũng phải nghỉ khoảng 1/3. |
Bình luận (0)