Miền Nam bang California - Mỹ hôm 5-7 tiếp tục rung chuyển bởi một trận động đất mạnh trong 2 ngày liên tiếp, dẫn đến nỗi lo về nguy cơ xảy ra thêm những trận động đất còn mạnh hơn nữa.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mới nhất mạnh cấp độ 7,1 và xảy ra lúc 20 giờ 19 phút (giờ địa phương), có tâm chấn cách thị trấn Ridgecrest, thuộc hạt Kern, gần 18 km. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất ở Nam California trong 20 năm qua. Trước đó một ngày, trận động đất mạnh cấp độ 6,4 cũng có tâm chấn gần địa phương này và theo sau là ít nhất 1.700 dư chấn.
Người phát ngôn chính quyền hạt Kern cho biết nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại Ridgecrest sau trận động đất mới nhất. Ngoài ra, theo đài CNN, các quan chức địa phương cho biết thêm họ ghi nhận được thông tin về thương vong và gần 2.000 người sống trong cảnh mất điện. Trong khi đó, Sở Cứu hỏa hạt San Bernardino cũng nhận được thông tin về thiệt hại vật chất do động đất gây ra. Trong khi đó, ông Mark Ghillarducci, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ khẩn cấp bang California, cho rằng có thông tin về vụ sập tòa nhà tại thị trấn nhỏ Trona và cảnh báo thiệt hại từ động đất trong thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn so với những gì đã biết.
Một vụ hỏa hoạn tại Ridgecrest sau trận động đất hôm 5-7Ảnh: Reuters
Cô Giovanna Gomez, cư dân tại TP Bakersfield (thuộc hạt Kern và cách Ridgecrest khoảng 177 km), đang ở nhà với gia đình thì căn nhà rung lắc, khiến họ chạy ra ngoài. "Động đất kéo dài khoảng 1 phút và mạnh hơn nhiều so với trận cách đây một ngày" - cô cho đài CNN biết. Người dân tại TP Los Angeles, cách Ridgecrest khoảng 241 km, cũng cảm nhận được sự rung lắc do động đất gây ra nhưng không có báo cáo về thiệt hại, theo Thị trưởng Eric Garcetti. Sự rung lắc thậm chí được cảm nhận ở TP Las Vegas, bang Nevada - Mỹ và cả tại Mexico.
Nhà địa chấn học Lucy Jones của Viện Công nghệ California nhận định cả 2 trận động đất trên là một phần của chuỗi động đất đang diễn ra, trong đó trận mạnh cấp độ 7,1 là trận động đất chính và trận mạnh cấp độ 6,4 là tiền chấn. Cũng theo cô Jones, trận động đất hôm 5-7 mạnh gấp 10 lần trận xảy ra một ngày trước đó.
Theo đài NBC, Thống đốc bang California Gavin Newsom hôm 5-7 đề nghị giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi động đất, đồng thời chính thức đề nghị sự hỗ trợ của chính phủ liên bang. Giới chức địa phương không loại trừ khả năng sẽ xảy ra thêm động đất mạnh trong thời gian tới. Lần gần đây nhất miền Nam California hứng chịu một trận động đất mạnh cấp độ 7,1 là ngày 16-10-1999. Trước đó, trận động đất mạnh cấp độ 6,7 xảy ra tại một khu đông dân ở TP Los Angeles năm 1994 khiến 57 người thiệt mạng và gây thiệt hại nhiều tỉ USD.
Bang California dễ bị động đất vì nằm trên đường đứt gãy San Andreas. Đường đứt gãy này kéo dài 1.287 km dọc bang California, chạy qua những khu vực đông dân cư. Trận động đất có sức hủy diệt nhất tại bang này xảy ra ở TP San Francisco năm 1907, khiến 3.000 người thiệt mạng. Nỗi lo hiện nay của các chuyên gia là nguy cơ xảy ra động đất mạnh từ cấp độ 8 trở lên tại khu vực quanh đứt gãy San Andreas, gây thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nhiều. "Mỗi trận động đất làm gia tăng khả năng xảy ra một trận khác" - cô Lucy Jones cảnh báo.
Nóng kỷ lục tại bang Alaska
Nhiệt độ tại TP Anchorage, bang Alaska đã tăng lên mức cao kỷ lục 32 độ C hôm 4-7, theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS). Mức cao nhất trước đó ở TP lớn nhất bang Alaska này là 29,4 độ C hồi tháng 6-1969. Một số địa phương khác tại miền Nam bang này cũng ghi nhận tình trạng nóng nhất từ trước đến giờ. Các chuyên gia cho đài BBC biết hiện tượng thời tiết khác thường nói trên do một "vòm nhiệt" ở miền Nam bang Alaska gây ra. Theo NWS, thời tiết khắc nghiệt như trên còn tiếp diễn trong những ngày tới.
Kỷ lục nóng nhất của bang Alaska, có một phần nằm trong vòng Bắc Cực, là 37,7 độ C tại TP Fort Yukon năm 1915. Tình trạng nóng dần lên tại bang Alaska trong những năm gần đây được cho là có liên quan đến sự sụt giảm của băng biển và sự ấm lên của Bắc Băng Dương. Điều này đã tác động tiêu cực đến thiên nhiên hoang dã, cuộc sống của người dân và nền kinh tế bang này.
Bình luận (0)