Ông Tamang mắc kẹt dưới đống đổ nát trong chính căn nhà của mình ở làng Khimtang, huyện Nuwakot, Tây Bắc thủ đô Kathmandu. Đây là 1 trong 14 huyện bị ảnh hưởng nặng nhất sau thảm họa. Nói với báo Hindustan Times, ông cho biết mình phải ăn bột cầm hơi và uống nước từ một cái thùng chứa gần đó trong suốt 1 tuần, cho đến khi được lực lượng cứu hộ giải thoát.
Phó Giám đốc cảnh sát huyện Nuwakot, Arun Poudel, thông báo hôm 3-5: “Cụ ông 101 tuổi mắc kẹt ở hiên nhà khi trận động đất xảy ra. Chúng tôi may mắn tìm thấy ông ấy còn sống. Nạn nhân chỉ bị thương nhẹ ở tay trái, chân trái và ngực. Trực thăng đã chuyển ông ấy tới bệnh viện ở Bidur”.
Hiện tình trạng sức khỏe của ông Tamang đã ổn định. Năm 1934, ông Tamang lúc đó đang ở độ tuổi 20, cũng chứng kiến trận động đất khủng khiếp mạnh 8 độ Richter xảy ra ở Nepal. Ông nói rằng trận động đất hôm 25-4 vừa qua có cảm giác mạnh hơn nhiều. “Tôi đang ngủ trong nhà thì trận động đất năm 1934 xảy ra. Không có ai ở ngôi làng của chúng tôi thiệt mạng. Nhưng lần này, chúng tôi mất mát quá nhiều” – cụ Tamang chia sẻ.
Trở về từ cõi chết, cụ ông 101 tuổi phát biểu cảm nghĩ: “Những người suýt chết giống như tôi đã tìm thấy cuộc sống mới”.
Trận động đất mạnh 7,9 độ Richter đã giết chết 27 người ở làng Khimtang, cách trụ sở huyện Nuwakot khoảng 40 km. Có báo cáo khẳng định 3 nạn nhân được cứu sống ở huyện Sindhulpalchok hôm 3-5 nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.
Theo Trung tâm Cứu hộ Khẩn cấp Quốc gia Nepal, số người chết do trận động đất đã vượt qua con số 7.250 người và số nạn nhân bị thương là 14.122 người.
Khoảng 100 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 2 trực thăng và 4 chiếc máy bay Ospreys có khả năng cất cánh thẳng đứng đã có mặt ở Kathmandu. Dự kiến 6 máy bay bắt đầu phân phối hàng cứu trợ hôm 4-5. Người phát ngôn chính phủ Nepal cho hay các hạn chế hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tribhuwan ở ngoại ô Kathmandu sẽ không ảnh hưởng đến các chuyến bay cứu trợ.
Bình luận (0)