Những hình ảnh chụp từ trên không do báo Philippine Daily Inquirer thu thập và công bố hôm 5-2 cho thấy Trung Quốc gần như hoàn thành việc quân sự hóa phi pháp 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong âm mưu độc chiếm biển Đông.
Hầu hết ảnh trên - chụp từ độ cao 1.500 m trong giai đoạn từ tháng 6 đến 12-2017 - cho thấy các bãi đá bị biến thành đảo nhân tạo này đang trong giai đoạn cải tạo cuối cùng để trở thành các căn cứ không quân và hải quân. Nếu để Bắc Kinh tiếp tục ngang nhiên làm thế, nước này sẽ sớm có các pháo đài quân sự trên các bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Vành Khăn, Subi.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 12-2017, Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cũng gọi 2017 là "một năm tích cực" của Trung Quốc trong hoạt động xây dựng phi pháp ở biển Đông. Riêng bãi đá Chữ Thập là nơi diễn ra nhiều hoạt động xây dựng nhất trong năm 2017 - trên một diện tích đến 110.000 m2.
Điều đáng nói là người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Harry Roque, tại cuộc họp báo gần đây cho rằng hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông không có gì mới. Theo ông Roque, Manila sẽ không phản đối chừng nào Bắc Kinh "duy trì cam kết" không cải tạo thêm đảo nào tại vùng biển này. Dù vậy, ông Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, chỉ trích lập trường của ông Roque không khác gì đi tin tưởng "kẻ trộm".
Ảnh chụp Đá Vành Khăn hôm 30-12-2017 Ảnh: PHILIPPINE DAILY INQUIRER
Những thông tin mới nhất về tình hình biển Đông xuất hiện vào thời điểm Mỹ đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có quốc phòng. Bằng chứng mới nhất là Washington đã cử phái đoàn hùng hậu tham dự Triển lãm Hàng không Singapore (SAS) 2018, dự kiến diễn ra ngày 6 đến 10-2, nhằm quảng bá vũ khí Mỹ.
Phát biểu ngay trước khi tham dự sự kiện, bà Tina Kaidanow, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị - quân sự, hôm 5-2 cho biết Washington "đang làm mọi điều có thể" để khích lệ chính phủ các nước Đông Nam Á mua vũ khí do Mỹ sản xuất, như chiến đấu cơ F-35. Theo đài Channel NewsAsia, 2 tiêm kích tàng hình F-35B của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã đáp xuống sân bay Changi hôm 3-2 để chuẩn bị tham gia SAS 2018.
Đây là lần đầu tiên F-35B xuất hiện tại Đông Nam Á, nơi quân đội một số nước được cho là quan tâm đến chiến đấu cơ tiên tiến này. Được sản xuất bởi hãng Lockheed Martin, F-35B có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Chưa có nước nào ở châu Á sở hữu mẫu tiêm kích này, dù quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc đang sử dụng phiên bản "chị em" F-35A.
Bà Kaidanow cho biết thêm sẽ gặp giới chức từ Nhật Bản, Canada và một số nước Đông Nam Á tại SAS 2018. Theo bà, các nước Đông Nam Á nên cân nhắc mua vũ khí Mỹ không chỉ vì vấn đề an ninh mà còn vì sự cân bằng ở khu vực.
Để trấn an một số nước Đông Nam Á, bà Kaidanow tuyên bố tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch tự do hàng hải tại những vùng biển bị Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Chưa hết, chính quyền ông Trump cuối năm ngoái phác thảo chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó nhấn mạnh đến việc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo Reuters, sự hiện diện lần đầu tiên của nhà ngoại giao phụ trách vấn đề bán vũ khí cho nước ngoài đến SAS trong nhiều năm trở lại đây cho thấy Washington không hề nói suông. Được xem là cuộc triển lãm hàng không lớn và quan trọng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, SAS có thể là nơi sát hạch chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo đảm ký kết các thỏa thuận bán vũ khí cho nước ngoài. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nước này xuất khẩu lượng sản phẩm không gian và quốc phòng trị giá 49,5 tỉ USD trong năm 2016.
Bình luận (0)