Philippines ngày 10-2 bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ trong một bước đi nhằm khôi phục ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.
Mô tả đây là chương mới trong chặng đường phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Du lịch Philippines Bernadette Romulo-Puyat khẳng định việc mở cửa biên giới quốc tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch và lữ hành, khôi phục việc làm đã mất, bên cạnh hàng loạt lợi ích khác.
Trước đó, vào cuối tháng 1-2022, lực lượng đặc trách chống dịch Covid-19 của chính phủ Philippines đã phê chuẩn đề xuất của Bộ Du lịch nhằm mở cửa biên giới đón du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, lực lượng này còn loại bỏ hệ thống phân loại các nền kinh tế dựa trên rủi ro Covid-19.
Thái Lan mở cửa lại biển Maya Bay chào đón du khách sau hơn 3 năm Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein nhấn mạnh quốc gia của ông phải nhanh chóng chuyển sang giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Sau cuộc họp cấp bộ trưởng tại Kuala Lumpur hôm 8-2, ông Hussein tái khẳng định lập trường của chính phủ Malaysia trong việc tránh triển khai trở lại các biện pháp kiểm soát đi lại quy mô lớn để bảo đảm "kinh tế, hệ thống giáo dục và sinh kế của người dân tiếp tục vận hành".
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Hussein đưa ra không lâu sau khi Hội đồng Phục hồi quốc gia Malaysia (NRC) đề nghị tái mở cửa biên giới hoàn toàn để đón du khách quốc tế sớm nhất vào ngày 1-3 nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Khi đó, du khách nhập cảnh Malaysia sẽ không phải cách ly bắt buộc nhưng cần xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và ngay sau khi nhập cảnh. Theo hãng tin Bloomberg, Malaysia đóng cửa phần lớn biên giới kể từ khi ban bố lệnh phong tỏa đầu tiên vào tháng 3-2020.
Sau khi nối lại làn đi lại dành cho người đã tiêm phòng với Singapore, Malaysia đầu năm nay nhất trí thiết lập hành lang đi lại vắc-xin với Indonesia. Thái Lan tuần trước cũng đã triển khai trở lại chương trình nhập cảnh không cần cách ly cho du khách đã được tiêm phòng đầy đủ.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 8-2 khẳng định việc sống chung với biến thể Omicron là khả thi, bởi số ca mắc Covid-19 nặng hiện vẫn ở mức thấp dù số ca nhiễm tăng mạnh.
Ở thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, Singapore mỗi ngày ghi nhận khoảng 3.200 ca nhiễm, với khoảng 170 giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) có bệnh nhân Covid-19. Hiện tại, dù số ca nhiễm hằng ngày tại Singapore đã tăng gấp 3 lần, quốc gia này chỉ có khoảng 20 bệnh nhân Covid-19 trong ICU ở một thời điểm bất kỳ.
Cột mốc buồn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Theo số liệu mới nhất của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), thế giới ngày 8-2 vượt mốc 400 triệu ca mắc Covid-19, một tháng sau khi đạt ngưỡng 300 triệu ca. Thế giới mất 1 năm để chạm mốc 100 triệu ca mắc nhưng chỉ mất 7 tháng để nhân đôi con số này và 6 tháng để nhân đôi một lần nữa.
Báo The New York Times cho biết số ca mắc hằng ngày trên toàn thế giới đã bắt đầu giảm nhưng vẫn ở mức cao, với hơn 2,7 triệu ca/ngày. Nhiều chính phủ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm Omicron giảm ở nhiều nơi. Úc sẽ sớm mở cửa lại biên giới cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Tiếp bước Đan Mạch và Na Uy, Thụy Điển dỡ bỏ phần lớn quy định phòng chống dịch.
Tổ chức Y tế thế giới ngày 9-2 kêu gọi 55 quốc gia giàu nhất thế giới đóng góp 23 tỉ USD cho chương trình ACT-Accelerator, một sáng kiến toàn cầu nhằm cung cấp công cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc-xin Covid-19 cho nước nghèo.
Bình luận (0)