Sau các cuộc đàm phán nước rút, rạng sáng 25-8, Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận nhằm tháo ngòi căng thẳng có nguy cơ đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc xung đột vũ trang. Bước tiến ngày ngay lập tức nhận được hoan nghênh từ Liên Hiệp Quốc và Mỹ.
Trong tuyên bố chung, Bình Nhưỡng cho biết “lấy làm tiếc” về việc 2 binh lính Hàn Quốc bị thương. Theo chuyên gia Jeung Young-Tae thuộc viện Thống Nhất Quốc Gia Hàn Quốc, đây được xem là một lời xin lỗi từ phía Bình Nhưỡng.
“Trong ngôn ngữ ngoại giao, đây rõ ràng là một lời xin lỗi, với chủ thể là việc lấy làm tiếc cho vụ nổ mìn khiến các binh lính bị thương” – ông Jeung bình luận. Một số nhà bình luận cho biết thêm rằng việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây.
Vài giờ sau khi thỏa thuận đạt được, các tàu ngầm Triều Tiên có dấu hiệu quay về căn cứ, theo hãng tin Yonhap. Phía Hàn Quốc cho hay khỏng 50/70 tàu ngầm của Triều Tiên đã di chuyển đến gần đường giới hạn trên Hoàng Hải từ ngày 21-8.
Một số quan chức quân sự cho rằng có thể các tàu ngầm quay về vì bão Goni đang tiến gần bán đảo Triều Tiên hoặc vì khả năng di chuyển dưới nước của chúng còn hạn chế. Tàu ngầm Triều Tiên có thể lặn 3 ngày trước khi trồi lên mặt nước để lấy ôxy và có nguy cơ bị phát hiện.
Dù vậy, giới quân sự Hàn Quốc cho hay sẽ tiếp tục tuần tra chống ngầm để bảo vệ lãnh thổ.
Về phía Hàn Quốc, Seoul cũng cam kết bắt đầu chấm dứt các chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên. Các hoạt động tuyên truyền loa sẽ chấm dứt vào 3 giờ (theo giờ GMT) ngày 25-8. Bình Nhưỡng cũng sẽ dỡ bỏ tình trạng “bán chiến tranh” chống Seoul mà lãnh đạo Kim Jong-un phát động trước đó. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hành động hướng tới việc khôi phục việc đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh vào tháng 9.
Có thể nói thỏa thuận, dường như đã giải quyết định mọi bất đồng lớn, đạt được sau cuộc đàm phán căng thẳng giữa hai nước được khởi động từ cuối tuần qua tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận vừa đạt được cho là bước khởi đầu một chương mới trong mối quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lập tức hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ hy vọng điều này sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Ông Kirby nói: “Trước tiên chính phủ Mỹ muốn hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều, thông qua việc hỗ trợ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Thỏa thuận vừa đạt trở thành bước khởi đầu một chương mới trong mối quan hệ liên Triều.
Ảnh: REUTERS
Bên cạnh những ý kiến lạc quan nêu trên là một số ý kiến cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Ông Jang Yong-seok, nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề thống nhất và hòa bình thuộc trường ĐH Quốc gia Seoul, nhận định: “Thỏa thuận tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể được coi là một bước tiến bộ nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa hề được thảo luận”.
Bình luận (0)