Hệ thống giám sát trừng phạt sẽ đảm bảo Trung Quốc thực sự tham gia vào lệnh trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), trong đó các sở chỉ huy quân sự của Mỹ và Trung Quốc sẽ liên lạc trực tiếp.
Công nhân tại nhà máy lọc dầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo Asahi Shimbun, hai bên sẽ chia sẻ những thông tin tình báo họ thu thập được về chương trình tên lửa Triều Tiên cũng như thảo luận về các kịch bản đa dạng, trong đó vấn đề can thiệp quân sự và tình trạng khủng hoảng tị nạn kéo theo, cũng như khả năng sụp đổ của chế độ Triều Tiên.
Trung Quốc vốn là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, thế nên sự gật đầu của nước này với nhưng thỏa thuận như vậy là một động thái hết sức đáng chú ý.
Cũng theo các nguồn tin, thỏa thuận nói trên đạt được hồi đầu tháng 11, trước những nỗ lực thúc đẩy tăng cường trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, và kết quả là lệnh trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ giáng vào Triều Tiên hôm 22-12.
Sự tham gia của Bắc Kinh trong bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Bình Nhưỡng là cực kỳ quan trọng bởi nước này là nhà cung cấp dầu và thực phẩm lớn nhất cho Triều Tiên.
Các dữ liệu hải quân Trung Quốc tháng 11 cho thấy nước này đã ngừng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho Triều Tiên, đồng thời không còn nhập khẩu than, quặng sắt và chì từ Triều Tiên.
Nguồn cung dầu mỏ của Triều Tiên là trọng tâm nhắm tới trong những nỗ lực trừng phạt của Mỹ, nhưng Trung Quốc còn chần chừ trong việc cắt đứt dòng dầu mỏ chảy vào Triều Tiên. Sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng vào cuối tháng 11, Mỹ đã gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Hồi tuần trước, một quan chức LHQ cho hay bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ đưa ra liên quan tới cắt giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên, đã có sự bàn thảo trước với Trung Quốc.
Trong khi đó, hồi tuần trước, trang Telegraph (Anh) đưa tin đã có thảo luận ở Washington về một cuộc tấn công phủ đầu "đấm chảy máu mũi" nhằm vào Triều Tiên. Dẫn nguồn tin giấu tên, tờ báo của Anh cho biết các kế hoạch chuẩn bị đang được đẩy mạnh rốt ráo cho một sự đáp trả quân sự đối với các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên.
Trong số các lựa chọn được xem xét, có một phương án sẽ là phá hủy khu vực phóng tên lửa trước khi Bình Nhưỡng kịp tiến hành một vụ phóng hoặc phá hủy kho vũ khí của nước này.
Một cựu quan chức an ninh Mỹ nhận xét: "Lầu Năm Góc đang cố tìm các phương án cho phép họ đấm vào mũi Triều Tiên, thu hút sự chú ý và cho thấy Mỹ đang thực sự nghiêm túc".
Nga lên tiếng
Theo Reuters, cũng trong ngày 26-12, Kremlin cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Triều Tiên và Mỹ nếu cả hai bên sẵn sàng. Người phát ngôn Điện Kremlin nói với báo giới rằng "sự sẵn sàng của Nga được mở đường cho quá trình xuống thang căng thẳng là rõ ràng".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 26-12 có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề chương trình hạt nhân Triều Tiên. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải khởi động một tiến trình đàm phán.
"Hai bên đã nhất trí về quan điểm chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm các yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" - Bộ Ngoại giao Nga thông báo sau cuộc điện đàm.
Ông Lavrov "một lần nữa nêu bật lên rằng không thể chấp nhận căng thẳng leo thang quanh bán đảo Triều Tiên đi cùng thái đội khiêu khích của Washington với Bình Nhưỡng và các hoạt động chuẩn bị quân sự gia tăng trong khu vực".
"Cần phải chuyển từ ngôn ngữ trừng phạt sang tiến trình đàm phán càng sớm càng tốt"- tuyên bố từ Moscow dẫn lời ông Lavrov khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng ông Tillerson chính là người khởi xướng cuộc điện đàm.
Bình luận (0)