Theo đài CNN (Mỹ), Bramble Cay melomys từng sống tại một hòn đảo nhỏ nằm trên rạn san hô Great Barrier tọa lạc ở eo biển Torres, giữa bang Queensland - Úc và Papua New Guinea, với hàng trăm cá thể vào những năm 1970. Tuy nhiên, số lượng của loài gặm nhấm màu nâu này sụt giảm nhanh chóng đến mức bị chính quyền bang Queensland liệt vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 1992.
Trong gần 10 năm trở lại đây, loài vật này không còn được nhìn thấy và bị liệt vào danh sách "tuyệt chủng" sau khi hàng loạt nỗ lực bảo tồn thất bại, theo báo cáo được Trường ĐH Queensland (Úc) công bố vào năm 2016.
Báo cáo này khẳng định Bramble Cay melomys tuyệt chủng do nhiệt độ và mực nước biển liên tục tăng trong hơn một thập kỷ, khiến môi trường sống của chúng bị thu hẹp đáng kể. "Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân gốc rễ khiến Bramble Cay melomys tuyệt chủng" - báo cáo kết luận.
Loài gặm nhấm Bramble Cay melomys trở thành động vật có vú đầu tiên trên thế giới tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu do con người gây ra Ảnh: The Sydney Morning Herald
Tới ngày 18-2, chính phủ Úc xác nhận điều này. "Sự tuyệt chủng của Bramble Cay melomys là một thảm kịch" - thượng nghị sĩ của Đảng Xanh, bà Janet Rice, khẳng định.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Úc đang đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu mỗi ngày và nhiệt độ nước biển tăng đã gây tổn thất diện rộng ở rạn san hô Great Barrier.
Nếu trái đất tiếp tục nóng lên, gần 8% loài vật trên toàn thế giới có nguy cơ tuyệt chủng, theo nghiên cứu được Trường ĐH Connecticut (Mỹ) công bố vào năm 2015. Úc, New Zealand và Nam Mỹ bị cảnh báo là những nơi chịu rủi ro cao nhất.
Bình luận (0)