Kế hoạch hành động trên - hay còn gọi là Quy tắc Katowice - đưa ra một hệ thống duy nhất cho các quốc gia để cắt giảm khí thải theo kế hoạch khí hậu quốc gia và cách thức báo cáo, đo lường, xem xét thường xuyên và nâng dần mức độ của các kế hoạch đó. Ông Michal Kurtyka, chủ tịch hội nghị, nhận định đây là bước tiến dài sẽ giúp các nước đến gần hơn mục tiêu hiện thực hóa tham vọng mà thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 đề ra - giới hạn mức tăng nhiệt độ của trái đất ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, đồng thời hướng đến mục tiêu 1,5 độ C. Mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C là ngưỡng then chốt để tránh tình trạng biến đổi khí hậu thảm họa - theo báo cáo khoa học của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đã nhận được sự ủng hộ của đa số các nước thành viên.
Chủ tịch COP24 Michal Kurtyka thể hiện cảm xúc vui mừng tại phiên họp cuối cùng ở Katowice - Ba Lan Ảnh: REUTERS
Về tài chính, Quy tắc Katowice cho thấy các nước giàu cam kết đóng góp quỹ để giúp các quốc gia nghèo hơn giảm bớt khí thải và thích ứng với các tác động của tình trạng khí hậu đang thay đổi. Các nước cũng đã đồng ý khởi động một tiến trình bắt đầu từ năm 2020 để đặt ra mục tiêu mới về tài chính, vượt qua mức 100 tỉ USD/năm đã cam kết trước đây, từ năm 2025.
Tuy nhiên, theo báo The Straits Times, một vấn đề quan trọng chưa giải quyết được tại phiên họp toàn thể cuối cùng do Brazil phản đối - mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nên chiếm tỉ lệ bao nhiêu - đã được dời sang hội nghị về biến đổi khí hậu năm 2019 ở Chile.
Bình luận (0)