Nổi lên từ làn nước màu xanh ngọc lam của vịnh Persian, đảo Saadyat liên tục gây bất ngờ với những công trình kì vĩ bậc nhất. Những công trình tưởng như ngoài sức tưởng tượng vẫn không ngừng nảy nở trên hòn đảo được kỳ vọng là một điểm đến văn hóa tuyệt vời tại thành phố Abu Dhabi, thủ đô của Tiểu vương quốc Abu Dhabi - một trong bảy tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ba bảo tàng lớn gồm Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Guggenheim Abu Dhabi, Bảo tàng cổ điển Louvre Abu Dhabi và Bảo tàng quốc gia Sheikh Zayed hứa hẹn sẽ mang lại một đại tiệc nghệ thuật cho những cư dân tương lai của hòn đảo một khi công tác xây dựng hòn đảo hoàn thành vào năm 2020.
Bảo tàng Louvre Abu Dhab I – được gọi là Mưa Ánh sáng - được kiến trúc sư nổi tiếng Jean Nouvel thiết kế, dự kiến khai trương vào tháng 12-2015. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Guggenheim và Bảo tàng quốc gia Sheikh Zayed sẽ mở cửa không lâu sau đó.
Đối với những người sẽ là cư dân của Saadiyat, trong đó phần lớn được cho là đến từ nhiều nước khác bên ngoài UAE, những công trình văn hóa đầy tham vọng này sẽ mang lại cho họ những trải nghiệm chưa từng có trước đó.
Thiết kế chi tiết của hòn đảo trị giá 27 tỉ USD. Ảnh: CNN
“Tôi đến từ nước Anh - nơi mọi thứ đều rất cổ điển và chậm rãi, thế nên được thả mình vào không gian hiện đại và sôi động ở Saadiyat thật tuyệt” - Sue Bell, một trong những cư dân sớm nhất của Saadiyat chia sẻ.
Tuy nhiên, cuộc sống ở hòn đảo được mệnh danh là thiên đường với những công trình hoành tráng bậc nhất thế giới này cũng đắt đỏ hiếm thấy. Những đại gia “dày túi” mới đủ tự tin sắm nhà cửa tại đây, bởi loại biệt thự thuộc loại giá cả dễ chịu nhất cũng lên tới 1,25 triệu USD. Biệt thự 7 phòng ngủ có giá khoảng 7,5 triệu USD.
Giá cả đắt đỏ như vậy nhưng khu biệt thự hạng sang St Regis chưa xây xong đã “hết hàng”. Theo công ty TDIC – đơn vị đầu tư hòn đảo, có đến 90% người mua biệt thự dùng để ở chứ không phục vụ mục đích đầu tư hay buôn bán.
Để các đại gia chọn Saadiyat làm ngôi nhà mới của mình cảm thấy yên lòng hơn về chuyện học hành của con cái, TDIC đang lên kế hoạch đưa thêm nhiều lựa chọn về giáo dục lên hòn đảo, nhằm chiều chuộng bất cứ nhu cầu nào của các cậu ấm, cô chiêu. Theo đó, cả ngôi trường nội trú Cranleigh của Anh và Đại học New York nổi tiếng của Mỹ cũng sẽ đổ bộ lên hòn đảo xinh đẹp này.
Hiệu trưởng Cranleigh, bà Brendan Law, tin rằng dù hòn đảo là một dự án xanh hiện đại nhưng khó mà tái hiện được ngôi trường cổ kính bậc nhất nước Anh.
Dù nỗ lực rất nhiều để mang lại sự tiện nghi mời gọi các cư dân tương lai, giới chức đầu tư Saadiyat đang đối mặt với không ít chỉ trích vì cách đối đãi với lực lượng công nhân xây dựng hòn đảo.
Theo CNN, các tổ chức nhân quyền trên thế giới phủ radar lên hòn đảo này vì những nghi ngại về cách đối xử thiếu công bằng mà một số nhà hoạt động xã hội gọi là bóc lột đối với lực lượng lao động tại dự án hòn đảo 27 tỉ USD này.
Bình luận (0)