Dự báo nhiệt độ năm 2020 được dựa trên quan sát về xu hướng nhiệt độ trong những năm gần đây khi mức nhiệt đều vượt quá 1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Theo các nhà khí tượng học, thế giới đang phải chịu đựng dấu tích rõ ràng của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Trung tâm dự báo thời tiết Met Office dự đoán khuynh hướng này gần như sẽ tiếp diễn trong năm 2020 nếu không xảy ra một số biến động bất ngờ như phun trào núi lửa với tác động lớn, tạo hiệu ứng làm mát từ tro bụi bay trong môi trường.
Cụ thể, trong năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,99-1,23 độ C, ước tính tăng trung bình 1,11 độ C.
Sự gia tăng nhiệt độ diễn ra không đều trên toàn cầu. Trong đó, vùng Bắc Cực nóng lên nhanh hơn rất nhiều so với mức trung bình. Băng ở Greenland sẽ tan chảy nhanh gấp 7 lần so với những năm 1990.
Một nhà thủy văn kiểm tra vết nứt nứt trong con đập khô cạn trong trận hạn hán ở thị trấn Graaff-Reinet - Nam Phi vào tháng 11-2019. Ảnh: Mike Hutchings / Reuters
Các nhà nghiên cứu của tổ chức Berkeley Earth cho biết có 36 quốc gia gồm Belize, Botswana, Slovakia và Nam Phi đã trải qua thời tiết nóng nhất trong năm 2019. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu này, hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tiếp diễn với 95% khả năng năm 2020 trở thành 1 trong 5 năm nóng nhất lịch sử.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng nóng lên khốc liệt đã góp phần gây ra cháy rừng ở Úc và ở bang California – Mỹ, làm băng tan từ Alaska đến Siberia và gây ra những trận bão và lũ lụt khủng khiếp. Đồng thời, tình trạng này cũng làm biến đổi hệ sinh thái ở Canada, Nam Mỹ và đến bờ biển châu Phi, đe dọa sinh vật hoang dã và đời sống của các loài phụ thuộc vào biển.
Năm 2019, các nhà sinh thái học cho biết có 1 triệu loài sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Sinh khối của động vật hoang dã trên hành tinh đã giảm hơn 80%, khoảng 1/2 khu vực sinh thái trọng yếu đã biến mất và quần thể côn trùng đã bị phá vỡ, theo báo cáo từ tổ chức Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) của Liên Hiệp Quốc.
Chuột túi kangaroo đứng giữa đồng cỏ mù mịt khói trong trận cháy rừng ở ngoại ô thị trấn Cooma, bang New South Wales - Úc vào ngày 4-1-2020. Ảnh: CNN
Năm 2020 cũng sẽ không chứng kiến hiện tượng nóng lên tự nhiên một cách mạnh mẽ và theo dự đoán sẽ không xuất hiện El Nino, một hiện tượng khí hậu ở khu vực Thái Bình Dương.
Hiện tượng El Nino có thể làm nhiệt độ tăng cao khác thường như đã từng xảy ra vào năm 1998 và đến năm 2005 thì trở thành năm nóng nhất kể từ khi các mức nhiệt bắt đầu được ghi nhận vào năm 1850. Theo thời gian, điều này đã góp phần phủ nhận những tuyên bố sai lầm cho rằng khoa học khí hậu đã sai và hiện tượng nóng lên toàn cầu là không tồn tại.
Năm nóng nhất theo ghi nhận gần đây là năm 2016, đây là năm xuất hiện hiện tượng El Nino và các năm sau đó đều có mức nhiệt gần với mức kỷ lục.
"Các hiện tượng tự nhiên như việc nóng lên do El Nino ở Thái Bình Dương đã gây ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu. Khi không xuất hiện El Nino, dự báo này đưa ra một bức tranh rõ ràng về yếu tố mạnh mẽ nhất làm gia tăng nhiệt độ, đó chính là khí thải nhà kính" – GS Adam Scaife, trưởng bộ phận Dự báo dài hạn tại Met Office, nói.
0 Advanced issue found▲ Ngư dân đứng trên bờ sông Magdalena ở Colombia vào ngày 14-1-2016 khi hiện tương El Nino gây hạn hán trầm trọng tại quốc gia này. Ảnh: Reuters/John Vizcaino.
Nếu dự báo này chính xác, thế giới sẽ tiến gần hơn đến bờ vực phá hủy khí hậu vào năm 2020. Các nhà khoa học cảnh báo khi mức nhiệt tăng hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp thì sẽ hủy hoại khí hậu thế giới.
Năm 2015 là năm đầu tiên có mức nhiệt tăng cao hơn 1 độ C so với nhiệt độ trung bình từ năm 1850-1900. Như vậy, tỉ lệ thay đổi là khá nhanh. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, mức nhiệt sẽ vượt quá ngưỡng 1,5 độ C chỉ trong vòng 2 thập kỷ.
Kể từ năm 2015 khi thỏa thuận Paris lịch sử về biến đổi khí hậu được ký kết, khí thải nhà kính đã tăng hơn 4%, mặc dù có dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng đang chậm lại.
Mặt đường bị biến dạng trong đợt nóng ở bang Delhi - Ấn Độ hồi tháng 5-2015. Có hơn 1,150 người chết khi đợt nắng nóng quét qua miền Nam Ấn Độ, trong đó, bang Andhra Pradesh chịu ảnh hưởng nặng nhất. Ảnh: Harish Tyagi/EPA
Theo kênh truyền hình National Geographic, nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn thì mực nước biển sẽ dâng cao từ 26-82 cm hoặc cao hơn nữa trước cuối thế kỷ này.
Đại dương nóng hơn sẽ làm xuất hiện những cơn bão nguy hiểm và phá vỡ vòng tuần hoàn nước, điều này có nghĩa là lũ lụt, hạn hán và cháy rừng diễn ra phổ biến hơn. Ngoài ra, nước sạch cũng ít dần do sông băng là nguồn tích trữ khoảng 3/4 lượng nước sạch của thế giới.
Một số bệnh dịch như sốt rét do muỗi hay virus Zika sẽ lan rộng.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái sẽ tiếp tục thay đổi, một số sinh vật sẽ di cư đến phía Bắc và một số động vật khác như gấu Bắc cực không thể thích nghi sẽ bị tuyệt chủng.
Nhiệt độ của đại dương là thước đo rõ ràng nhất về tình hình biến đổi khi hậu vì đại dương hấp thụ 90% lượng nhiệt từ khí thải nhà kính Ảnh: Modis/Terra/Nasa
Bình luận (0)