Dưới sức ép của thành viên chủ chốt Ả Rập Saudi, OPEC vừa quyết định không giảm sản lượng khai thác trong 6 tháng tới bất chấp giá dầu không ngừng tụt dốc.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Ali al-Naimi không hề che giấu mục tiêu của bước đi này: OPEC phải chống lại sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ bằng cách “ghìm” giá dầu, qua đó hạn chế lợi nhuận của các nhà sản xuất xứ cờ hoa.
Đây là sự thay đổi về nhận thức bởi chỉ mới năm ngoái, OPEC còn nhận định thành công của ngành dầu khí đá phiến Mỹ chỉ là nhất thời. Ông Abdalla El-Badri, Tổng Thư ký OPEC, thậm chí còn tự tin cho rằng phân nửa nhà sản xuất Mỹ sẽ thua lỗ nếu giá dầu sụt dưới mức 85 USD/thùng.
Hoạt động khai thác dầu khí đá phiến ở hạt Webb, bang Texas - Mỹ
Ảnh: Bloomberg
Nhờ cuộc cách mạng khai thác dầu khí đá phiến, sản lượng dầu của Mỹ hiện đạt mức 9 triệu thùng/ngày và có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015, mức cao nhất kể từ những năm 1970. Ở chiều ngược lại, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1995.
Đã xuất hiện lời kêu gọi chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô ban hành cách đây 39 năm - một viễn cảnh mà Ả Rập Saudi không muốn thấy do sợ mất thị phần.
Không dễ để OPEC gây được sức ép lên Mỹ với chiêu giảm giá dầu bởi chi phí khai thác ngày một giảm do sự tiến bộ của công nghệ.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết hầu hết nhà sản xuất tại bang North Dakota vẫn có lợi nhuận dù giá dầu chỉ còn 42 USD/thùng. Con số này tại hạt McKenzie, nơi có sản lượng khai thác nhiều nhất bang North Dakota, thấp đến ngỡ ngàng - chỉ 28 USD/thùng.
“Sức chịu đựng của ngành công nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ có thể tốt hơn OPEC” - ông Alistair Newton, chuyên gia phân tích tại Công ty Nomura (Nhật Bản), đánh giá.
Giới phân tích cho rằng phải mất nhiều tháng mới biết hoạt động sản xuất dầu ở Mỹ chịu ảnh hưởng ra sao nhưng ngay cả một số thành viên OPEC cũng không tin tưởng canh bạc của Ả Rập Saudi.
Reuters dẫn lời đại diện một nước OPEC nhìn nhận: “Đá nhà sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường là điều không thực tế chút nào”. Trong trường hợp “thua trận”, thiệt hại kinh tế không phải là hậu quả duy nhất mà Ả Rập Saudi hứng chịu.
Theo hãng tin Bloomberg, việc giá dầu tụt dốc thời gian dài khiến người dân Ả Rập Saudi cảm nhận rằng vương quốc đã mất quyền kiểm soát thị trường dầu, đe dọa làm bất ổn môi trường chính trị trong nước.
Chưa hết, sự hỗn loạn về địa chiến lược khắp Trung Đông sẽ ngày càng nghiêm trọng, tạo điều kiện cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) mở rộng ý đồ “thánh chiến” mà Ả Rập Saudi là một trong những mục tiêu bị thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi nói đến gần đây.
Bình luận (0)