Theo giải trình về câu hỏi của các nghị sĩ thuộc Đảng Cánh tả trong Quốc hội được công bố ngày 18-9, Bộ Kinh tế Đức cho biết đã xuất gần 40 tấn hóa chất cho Syria trong giai đoạn 2002 - 2003 và hơn 97 tấn trong giai đoạn 2005 - 2006, tổng giá trị là 232.300 USD.
Các hóa chất này bao gồm hydrogenfluorid, ammonium bifluoride, natriumfluorid cũng như các thành phần hóa chất có chứa xyanua kali và natri. Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), những hóa chất này dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự và cần giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu.
Trẻ em Syria phải điều trị sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21-8. Ảnh: Reuters
Chính phủ Đức cho biết giấy phép xuất khẩu hóa chất lúc đó nêu rõ điều kiện là phải sử dụng vào các mục đích dân sự. “Chính phủ Đức không hay biết việc số hàng hóa trên bị sử dụng cho mục đích khác sau đó” - thông cáo của Bộ Kinh tế Đức viết. Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh trên đài ARD: “Dĩ nhiên chúng ta sẽ xem xét cáo buộc trên, song giấy phép đã ghi rất rõ chỉ dùng cho mục đích dân sự”.
Tuy nhiên, theo ông Ralf Trapp, chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), giới chức Syria có thể đã sản xuất khí độc như sarin từ số hóa chất của Đức.
Nghiêm trọng hơn, Chủ tịch Đảng Cánh tả Gregor Gysi khẳng định Đức đã đồng lõa với cái chết của 1.400 trẻ em, phụ nữ và đàn ông trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus hôm 21-8.
Tuần trước, báo chí Anh cũng phanh phui chính phủ nước này cũng xuất khẩu sang Syria nhiều loại hóa chất có thể được dùng để chế tạo sarin.
Trong khi đó, ngày 18-9, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp lần thứ hai đển bàn về một nghị quyết ủng hộ kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga - Mỹ. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào đạt được sau cuộc họp kéo dài khoảng 2 giờ.
Bình luận (0)