Chính phủ Đức đã soạn thảo kế hoạch tạm thời loại Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) trong 5 năm nếu Athens không đưa ra được những đề nghị tốt nhất làm thỏa mãn các chủ nợ để nhận gói cứu trợ tài chính mới.
Theo tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, Bộ Tài chính Đức đã soạn thảo 2 phương án hành động: 1/ Hy Lạp phải điều chỉnh gấp các đề xuất của mình cũng như chuyển tài sản nhà nước trị giá 50 tỉ euro vào quỹ tín thác của Eurozone để được xóa một phần nợ. 2/ Athens cần phải ngừng thương lượng và rời khỏi Eurozone trong khoảng 5 năm để tái cấu trúc nợ nước này. Trong thời gian đó, Hy Lạp vẫn là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và sẽ có thể nhận được những viện trợ cần thiết.
Cũng theo tờ báo nêu trên, Bộ trưởng Schäuble cho rằng những đề xuất được Quốc hội Hy Lạp thông qua là chưa đủ để làm cơ sở thương lượng.
Trong khi đó, kênh truyền hình Phần Lan Yle trích dẫn các nguồn tin khẳng định Helsinki chống lại chuyện cung cấp gói cứu trợ mới cho Hy Lạp, đồng thời kêu gọi loại Athens ra khỏi Eurozone. Hơn nữa, theo báo The Guardian, ông Timo Soini, thủ lĩnh Đảng True Finns theo chủ nghĩa dân tộc, đã dọa hạ bệ chính phủ nước này nếu Bộ trưởng Tài chính Alex Stubb đồng ý gói cứu trợ mới cho Hy Lạp.
Phản ứng trước thông tin trên, đại diện Chính phủ Hy Lạp tuyên bố Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble hoặc ai đó khác chưa lần nào nêu lên vấn đề loại Athens ra khỏi Eurozone, dù chỉ là tạm thời.
Trong khi đó, các nguồn tin châu Âu xác nhận kế hoạch này chỉ mới là tài liệu nội bộ, không được đệ trình tại hội nghị các bộ trưởng tài chính Eurozone hôm 11-7. Tuy nhiên, theo báo Der Spiegel, Tổng thống Pháp Francois Hollande loại bỏ phương án Hy Lạp tạm thời rời bỏ Eurozone. “Không có chuyện Hy Lạp rời bỏ Eurozone một thời gian. Hoặc rời khỏi, hoặc không” - ông Hollande nói.
Báo Greek Reporter nhấn mạnh các chủ nợ của Hy Lạp vẫn còn nghi ngờ mong muốn cũng như khả năng thực hiện cải cách của chính phủ Alexis Tsipras để nhận được gói cứu trợ thứ ba.
Sau khi cuộc họp hôm 11-7 không đạt được kết quả, một số bộ trưởng tài chính Eurozone thừa nhận với người đồng cấp Hy Lạp Euclid Tsakalotos rằng không hoàn toàn tin cậy chính phủ nước này. Họ cho rằng Athens phải nỗ lực hành động nhiều hơn là việc đưa ra danh sách các cam kết cải cách. “Chúng tôi dứt khoát sẽ không thể chỉ dựa vào những lời hứa hẹn” - Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble tuyên bố.
Đài BBC đưa tin Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Tsakalotos khẳng định chính phủ ông cam kết thực hiện được những kế hoạch cải cách kinh tế đã đưa ra. “Lúc này, chúng tôi cần xây dựng lòng tin” - ông nhấn mạnh.
Hy Lạp đang đề nghị khoản cứu trợ mới trị giá 53,5 tỉ euro, đủ để trả nợ đến năm 2018. Đổi lại, Athens đưa ra một loạt đề xuất cải cách, gồm: tăng thuế đối với các công ty vận tải đường thủy, thống nhất thuế trị giá gia tăng ở mức 23%, đến năm 2019 hủy bỏ dần trợ cấp dành cho người về hưu, cắt giảm ngân sách quốc phòng 300 triệu euro vào năm 2016, tư hữu hóa các cảng và bán các cổ phiếu còn lại của Công ty Viễn thông OTE, dỡ bỏ lệnh giảm thuế 30% cho các đảo giàu có. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin gọi các đề xuất này là cơ sở tốt để khởi động cuộc thương lượng với các chủ nợ.
Cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) được nối lại hôm 12-7 sau khi các bên không tìm được tiếng nói chung 1 ngày trước đó. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết hội nghị các nhà lãnh đạo Eurozone vẫn diễn ra cùng ngày và “kéo dài cho đến khi đạt được kết quả về vấn đề nợ của Hy Lạp”. Tuy nhiên, hội nghị các nhà lãnh đạo EU, dự kiến cũng diễn ra trong ngày 12-7, đã bị hủy, theo đài BBC.
Sẽ kiểm soát vốn thêm vài tháng
Theo báo The Guardian, Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Giorgos Stathakis hôm 11-7 cảnh báo các biện pháp kiểm soát vốn sẽ được duy trì trong cả mùa hè này. Trong đó, lệnh hạn chế rút tiền mặt và xuất khẩu tiền tệ vẫn giữ nguyên hiệu lực thêm ít nhất 2 tháng nữa.
Ông Stathakis dự báo các ngân hàng có thể mở cửa trở lại trong vòng 1 tuần nếu Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.
Bình luận (0)