Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag hôm 6-12, ông Gabriel nhấn mạnh: “Ả Rập Saudi đang tài trợ cho việc xây dựng các nhà thờ Hồi giáo Wahhabi khắp thế giới. Ở Đức, nhiều thành phần cực đoan được đánh giá là nguy hiểm đều xuất phát từ cộng đồng Wahhabi này. Ả Rập Saudi nên biết rõ rằng chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này nữa”.
Chủ nghĩa Wahhabi là học thuyết Hồi giáo chính thức ở Ả Rập Saudi, đồng thời là linh hồn tư tưởng của cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.
Cáo buộc Ả Rập Saudi tài trợ cho các nhà thờ Hồi giáo có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố tại phương Tây không phải là mới. Tuy nhiên, việc một lãnh đạo của phương Tây công khai chỉ trích đồng minh chủ chốt Ả Rập là điều cực kỳ hiếm.
Ông Gabriel, người đứng đầu của đảng Dân chủ Xã hội trung tả Đức (SPD) trong liên minh cầm quyền Đức, đã hối thúc chính phủ thực hiện những bước đi quyết đoán nhằm chống lại các nhà thờ Hồi giáo liên quan đến chủ nghĩa Wahhabi.
Phát biểu của ông Gabriel xuất hiện vài ngày sau khi Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) đưa ra cảnh báo hiếm hoi rằng Ả Rập Saudi có nguy cơ trở thành thành phần gây mất ổn định chính trị trong thế giới Ả Rập.
Chính quyền bà Merkel nhanh chóng tách mình ra khỏi cảnh báo công khai của BND, cho rằng điều này không phản ánh chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, các phát biểu của ông Gabriel rõ ràng thể hiện sự nghi ngại nghiêm trọng của chính phủ Đức đối với Ả Rập Saudi.
Trước đó, Quốc vương Ả Rập Saudi, ông Salman bin Abdulaziz Al Saud, đã nhận vô số lời chỉ trích của truyền thông Đức sau khi đề nghị xây 200 nhà thờ cho người nhập cư Syria ở Đức, nhất là khi Riyadh không chịu tiếp nhận dân tị nạn Syria.
Việc ông Gabriel liên kết các nhà thờ do Ả Rập Saudi tài trợ với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan có thể làm căng thẳng gia tăng. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Gabriel lời qua tiếng lại với Hoàng gia Ả Rập Saudi.
Trong chuyến thăm Riyadh hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Đức lên tiếng ủng hộ Raif Badawi, blogger người Ả Rập Saudi bị phạt đánh 1.000 roi vì xúc phạm đạo Hồi. Cũng chính ông cản trở thỏa thuận xây một nhà máy vũ khí ở Ả Rập Saudi mà chính phủ tiền nhiệm ở Berlin đã thông qua.
Hôm 4-12, Quốc hội Đức thông qua việc triển khai máy bay do thám và khoảng 1200 binh lính đến Syria để hỗ trợ các lực lượng quốc tế chống IS. Tuy nhiên, họ sẽ không trực tiếp tham chiến.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi sẽ chủ trì cuộc hội nghị của các phe nổi dậy ở Syria - chống lại cả IS lẫn chế độ Tổng thống Bashar al-Assad - vào tuần tới.
Trước đó, Ả Rập Saudi liên tục bị cáo buộc cung cấp vũ khí và tài trợ IS cũng như các nhóm thánh chiến khác trong cuộc nội chiến ở Syria. IS từng nhiều lần nhận trách nhiệm các vụ tấn công ở Ả Rập Saudi song Riyadh vẫn bị cáo buộc cung cấp vũ khí và tiền bạc cho IS lẫn các nhóm thánh chiến khác ở Syria.
Bình luận (0)