Phát biểu ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên nghi ngờ ý định của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì điều này sẽ cản trở tiến trình hòa bình.
Ngay trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cảnh báo việc Triều Tiên không giữ lời hứa phi hạt nhân hóa trong quá khứ. Ông Onodera dẫn chứng trong các cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2005, Triều Tiên hứa từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân nhưng vẫn tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, trong khi phải đến năm ngoái mới tạm ngừng thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ông Song lập luận Triều Tiên hiện đã có một nhà lãnh đạo mới và đang tìm cách thay đổi hướng đi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera phát biểu về chương trình hạt nhân Triều Tiên ngày 2-6 Ảnh: AP
Bất đồng giữa Seoul và Tokyo còn thể hiện qua vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Onodera đòi Triều Tiên từ bỏ tất cả tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa tầm ngắn. Thế nhưng, ông Song cho rằng mối đe dọa tên lửa cuối cùng sẽ tan biến theo thời gian khi Bình Nhưỡng gia nhập cộng đồng quốc tế và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước.
"Không có lý do gì để họ phát triển và duy trì một vũ khí mà họ không cần sử dụng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực mà họ có thể dùng để phát triển kinh tế" - ông Song giải thích. Dù còn một số bất đồng, hai bộ trưởng vẫn thống nhất ở một điểm: Kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước đó, tại Washington, ông Trump bất ngờ thông báo Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 như kế hoạch ban đầu. Dù tuyên bố hủy kế hoạch trên hôm 24-5, ông chủ Nhà Trắng đã đổi ý sau khi gặp quan chức Triều Tiên Kim Yong-chol và được trao tận tay lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Phát biểu tại SLD 2018 ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định vấn đề hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Hay tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều được nối lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ mong muốn đóng góp vào sự thành công của sự kiện lịch sử này. Ông Abe dự kiến hội đàm với ông Trump tại Nhà Trắng ngày 7-6 với hy vọng điều phối được chính sách của 2 bên trước thềm hội nghị nêu trên. Theo ông Abe, Nhật Bản không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và muốn cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều bàn về vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.
Bình luận (0)