Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng Warmbier đang trên đường trở về Mỹ để đoàn tụ với gia đình mình và việc sinh viên này được thả là một nỗ lực do Tổng thống Donald Trump chỉ đạo. Theo đài CNN, cha mẹ anh Warmbier cũng khẳng định con trai mình đang trên đường về nước.
Tuy nhiên, sau đó, cha mẹ anh Warmbier cho biết họ được thông báo rằng con trai mình đã rơi vào tình trạng hôn mê từ tháng 3-2016 và chỉ biết tin này một tuần trước. Họ nói: "Chúng tôi muốn cả thế giới biết chúng tôi và con trai mình bị đối xử tàn nhẫn".
Theo đó, Warmbier đã ngã bệnh vì chứng ngộ độc thịt sau phiên xét xử hồi tháng 3 năm ngoái. Khi đó, các bác sĩ cho anh uống "thuốc ngủ" và thanh niên này không bao giờ tỉnh lại nữa.
Sinh viên 22 tuổi dự kiến được đưa về đến nhà ở TP Cincinnati, bang Ohio tối 13-6 (giờ địa phương) sau khi dừng tại một cơ sở quân sự của Mỹ ở TP Sapporo – Nhật Bản.
Triều Tiên đã trả tự do cho công dân Otto Warmbier sau 17 tháng giam giữ. Ảnh: Reuters
Warmbier, 22 tuổi, đã bị bắt giữ vào tháng 1-2016 tại sân bay Bình Nhưỡng khi chuẩn bị lên máy bay về nhà. Cha mẹ anh Warmbier, ông bà Fred và Cindy Warmbier, cho biết sinh viên của Trường ĐH Virginia đã đi du lịch đến Triều Tiên. Khi đó, các nhà chức trách Triều Tiên cho hay họ có hình ảnh an ninh về việc sinh viên này lấy trộm một khẩu hiệu chính trị treo trên tường tại khách sạn Bình Nhưỡng.
Hình ảnh đó được sử dụng làm bằng chứng trong phiên xét xử kéo dài một giờ mà Triều Tiên cáo buộc sinh viên này có "hành động thù địch" chống lại chính quyền Bình Nhưỡng theo yêu cầu của một thành viên nhà thờ ở bang Ohio, một tổ chức bí mật trong trường đại học và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Thanh niên 22 tuổi sau đó bị kết án lao động khổ sai 15 năm vào tháng 3-2016 vì cáo buộc nói trên.
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc Warmbier được trả tự do có liên quan đến chuyến thăm của ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến Triều Tiên hay không. Ông Rodman là một người bạn thân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đã từng đến nước này vào năm 2013 và 2014.
Ngôi sao bóng rổ hôm 13-6 cho biết chuyến đi lần này của ông đến Triều Tiên với tư cách công dân và mục đích của ông là xem liệu mình có thể tiếp tục mang thể thao đến Triều Tiên hay không.
Hiện còn 3 công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên, gồm nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Kim Dong-chul, 62 tuổi, giáo sư người Mỹ gốc Hàn Kim Sang-duk (hay Tony Kim) và ông Kim Hak-song, người làm việc tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST).
Bình luận (0)