xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đương đầu lệnh trừng phạt: Iran lách khe cửa hẹp

ĐỖ QUYÊN

Trong khi những lệnh trừng phạt cứng rắn ngày càng đóng thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu của Iran, một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp năng lượng của nước này vẫn khởi sắc, đó là xuất khẩu điện

Tháng 12-2012, nhà buôn máy bay James Kim nhận được lá thư ngỏ từ một doanh nghiệp (DN) đóng ở Cyprus đề nghị mua 4 chiếc máy bay. Lá thư ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Vị "thượng đế" mà tên tuổi đến nay vẫn còn bí ẩn tỏ ra sẵn sàng cũng như khả năng có thể mua 4 chiếc Airbus A340 đã qua sử dụng và đề nghị ông Kim môi giới.

"Phát triển ẩn dật"

Mua lại máy bay cũ vốn không phải nhu cầu thời thượng song đề nghị này cũng không khó đối với vị giám đốc quản trị công ty thương mại máy bay AvCon Worldwide, có trụ sở tại Anh. Trong tay đã nắm một số mối từ các ông chủ ở châu Á hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đó nhưng ông Kim vẫn từ chối sau khi nhận được bức thư ngỏ với cái tên có vẻ Iran. "Tôi đã trả lời họ rằng thương vụ này bất khả thi bởi các lệnh trừng phạt" - ông Kim kể lại với hãng tin Reuters hồi năm 2016.

Thương vụ bất thành nhưng cách tiếp cận đáng ngờ này đã phần nào hé lộ một thế giới mua bán ngầm các loại máy bay cũng như bộ phận máy bay diễn ra trên toàn cầu nhiều thập kỷ qua. Theo những nhân vật liên quan tới hoạt động này cũng như nhiều chuyên gia, các DN bình phong tìm cách thu mua những bộ phận, thậm chí nguyên mẫu máy bay. "Người Iran thiết lập các DN và tiến hành các thương vụ rồi nhanh chóng ẩn chúng đi. Chúng sẽ không tồn tại lâu" - ông Kim cho biết.

Đương đầu lệnh trừng phạt: Iran lách khe cửa hẹp - Ảnh 1.

Những lệnh trừng phạt dai dẳng khiến các hãng hàng không Iran phải vật lộn để duy trì đội máy bay già nua Ảnh: FLICKR

Cách thức né tránh trừng phạt như vậy cũng có thể bắt gặp ở các nước khác cùng chung số phận phải mang gánh nặng bị cấm vận, như Nam Phi, Cuba, Zimbabwe, Iraq và Triều Tiên. Ngay sau khi các lệnh trừng phạt liên quan tới hạt nhân được dỡ bỏ hôm 16-1-2016, ngành công nghiệp hàng không của Iran đã lập tức bước ra khỏi bóng tối. Với một đơn hàng 118 chiếc Airbus được ký kết tại Paris - Pháp dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hassan Rouhani, Iran nhanh chóng đổi bộ sưu tập máy bay cổ - với không ít bộ phận chắp vá nhờ mánh khóe buôn bán ngầm - sang một phi đội mới hứa hẹn có thể cạnh tranh với các hãng bay đối thủ ở vùng Vịnh.

Giống như các chiếc xe cổ được lưu giữ từ những năm 1950 của Cuba, đội máy bay già nua của Iran sẽ dần được "nghỉ hưu" sau khi nước này tiếp nhận phiên bản mới nhất từ các hợp đồng đang được thúc đẩy mạnh, được coi như biểu tượng cho sự xoay xở tài tình trong trừng phạt. Ông Heydar Vatankhah, Phó Giám đốc quản trị về kỹ thuật và bảo dưỡng của hãng Kish Air của Iran, tự hào: "Đó gọi là sự phát triển ẩn dật. Mỗi hãng hàng không đều có một đạo diễn thiên tài". Ông Vatankhah đã trải qua 31 năm duy trì phi đội "cổ lỗ" của hãng hàng không nhà nước Iran Air.

Một quan chức hàng không Iran khoe ông từng kiếm được một động cơ do phương Tây sản xuất vài tuần sau khi nó xuất xưởng bằng cách đưa qua 3 quốc gia. Trong khi khẳng định có thể tự sản xuất các bộ phận máy bay, Iran vẫn ưu tiên dùng đồ chính hãng song giá cả không hề dễ chịu. "Nếu giá là 10.000 USD, tôi phải trả 70.000 USD" - kỹ sư trưởng của một hãng bay Iran ngao ngán. Những người khác cho biết họ cũng phải chi gấp 4-5 lần giá trị của mỗi món hàng và hưởng lợi nhất là kẻ trung gian. "Sau nhiều thập kỷ làm việc đó, bạn chứng kiến rất nhiều chuyện. Mọi người bắt đầu tìm đường tắt. Đó là những phi vụ dơ bẩn" - vị kỹ sư nhìn nhận.

Giữa 3 "gọng kìm"

Theo Reuters, Mỹ cũng đưa vào tầm ngắm hàng chục DN bình phong đáng nghi của Iran. Song, nói như các quan chức hàng không của quốc gia Trung Đông này, giới chức phương Tây đâu có thể đánh hơi được những vi phạm.

Phía Iran giải thích họ buộc phải tìm tới thị trường chợ đen để cải thiện an toàn hàng không sau các tai nạn máy bay chết người và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, phương Tây khẳng định trừng phạt là cách hiệu quả để thuyết phục Tehran đàm phán thỏa thuận hạt nhân - mới được ký kết năm 2016 giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 về kiềm chế các hoạt động hạt nhân của nước này.

Năm 2012 từng đánh dấu thời điểm Iran trở thành đối tượng của 3 lệnh trừng phạt cùng lúc từ Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi các ngoại trưởng EU nhất trí áp đặt trừng phạt vào dầu mỏ Iran từ ngày 1-7-2012, trừng phạt kinh tế đầu tiên của Mỹ nhằm vào nước cộng hòa Hồi giáo này đã bắt đầu từ năm 1979 sau khi chế độ quân chủ Pahlavi bị lật đổ. Bên cạnh đó, nghị quyết trừng phạt đầu tiên của LHQ (số 1737) với nước này được thông qua năm 2006. Cả 3 "gọng kìm" đều nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran.

Tuy nhiên, trong khi những lệnh trừng phạt cứng rắn ngày càng đóng thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu của Iran, một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp năng lượng của nước này vẫn khởi sắc, đó là xuất khẩu điện. Trớ trêu hơn, lĩnh vực thương mại sinh lời đó thậm chí còn cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, khi cả 5 bạn hàng mua điện của Tehran lúc bấy giờ đều là đồng minh của Washington.

Cơ quan thông tin năng lượng của chính phủ Mỹ lúc đó công bố Iran là nước xuất khẩu điện ròng và xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng Armenia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Afghanistan. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã được Bộ trưởng Thông tin Công nghệ Iran Mahmoud Vaezi xem là một trong những người bạn tốt nhất đã sát cánh với Iran. Phát biểu này được ông Vaezi đưa ra tại sự kiện kỷ niệm 21 năm ra đời của Ủy ban Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - Iran hồi năm 2016.

Không thể quật ngã

Theo TS Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (trụ sở ở Washington), một trong những nguyên nhân khiến lệnh trừng phạt không thể quật ngã được Iran là ngoài tận dụng các lỗ hổng để sống sót, đất nước này đã sớm chủ động bắt tay xây dựng một nền kinh tế có sức đề kháng, sẵn sàng đương đầu với sự cấm vận.

Iran đã thiết lập các nguồn doanh thu linh hoạt khác để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu khí, trong đó có thuế giá trị gia tăng, tư nhân hóa tài sản chính phủ và tăng cường năng lực chuyển dầu thô thành xăng dầu để phục vụ nhu cầu nội địa.

Kỳ tới: Kỳ tích đáng nể của Cuba

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo