Ngày 30-8-1963, John F. Kennedy trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên kết nối đường dây liên lạc trực tiếp với Điện Kremlin ở Moscow. Đường dây nóng này phục vụ liên lạc giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Liên Xô được dễ dàng.
Ngăn chặn chiến tranh
Việc thiết lập đường dây nóng này xảy ra sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962, khi Mỹ và Liên Xô tiến sát cuộc chiến tranh hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Kennedy khi đó phát hiện Liên Xô đã sản xuất tên lửa có khả năng phóng các đầu đạn hạt nhân vào Mỹ. Tuy nhiên, sự trao đổi về ngoại giao căng thẳng cao độ giữa hai bên đã gặp trở ngại do hệ thống liên lạc chậm chạp. Những bức thông điệp mã hóa đã được gửi qua lại giữa Kremlin và Lầu Năm Góc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin ít khi gọi điện cho nhau Ảnh: TWITTER
Ngày 24-10-1962, sau khi Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba nhắm vào Washington D.C buộc Tổng thống Kennedy bố trí tên lửa hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ hướng vào Moscow, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã viết lá thư dài 3.000 từ gửi Tổng thống Kennedy và phía Mỹ mất gần 12 giờ để giải mã. Sau khi Washington gửi thư phúc đáp, hai bên trao đổi những bức thông điệp cứng rắn hơn, tốn rất nhiều thời gian.
Thế rồi, hai ông Kennedy và Khrushchev giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình và cả hai ký hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân vào ngày 5-8-1963. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi e sợ về “những hiểu lầm” trong tương lai. Các cố vấn Nhà Trắng thời điểm đó có suy nghĩ cuộc khủng hoảng lẽ ra đã bị ngăn chặn nếu như sự liên lạc giữa hai bên diễn ra nhanh chóng hơn. Từ đó, người ta quyết định lắp đặt một hệ thống liên lạc được cải tiến và một thỏa thuận đã được ký kết để thiết lập việc liên lạc trực tiếp đáng tin cậy giữa 2 cường quốc hạt nhân.
Ngày 30-8-1963, Nhà Trắng ra thông báo cho biết đường dây nóng mới sẽ giúp giảm nguy cơ chiến tranh xảy ra tình cờ hoặc do hiểu lầm. Thay vì dựa vào những bức điện tín phải vượt biển khơi, công nghệ mới là bước đi quan trọng tiến đến thời điểm các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô có thể chỉ cần nhấc ống nghe điện thoại như hiện nay. Đường dây nóng này được kết nối liên tục và hai bên thỏa thuận chỉ được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp chứ không trao đổi thông thường giữa 2 chính phủ.
Theo tờ The New York Times, mặc dù không thể so với các phương tiện viễn thông như ngày nay, công nghệ được áp dụng năm 1963 được đánh giá mang tính cách mạng, đáng tin cậy hơn nhiều và ít khả năng bị ngăn chặn hơn so với các cuộc điện thoại xuyên Đại Tây Dương thông thường.
Thành tựu của thời đại nguyên tử
Năm 1967, Tổng thống Lyndon B. Johnson trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống liên lạc nói trên khi diễn ra cuộc chiến tranh 6 ngày ở Trung Đông (giữa Israel và Ai Cập, Jordan, Syria). Tổng thống Lyndon B. Johnson thông báo cho Liên Xô biết ông đang xem xét chuyện cử máy bay của Không lực Mỹ đến Địa Trung Hải. Hai siêu cường trao đổi về những động thái quân sự có nguy cơ được nhận định là khiêu khích hoặc nhập nhằng. Mối quan ngại chính là khả năng giáp mặt nhau ở Địa Trung Hải giữa Hạm đội Biển Đen của Liên Xô và Hạm đội 6 của Mỹ cũng như cách ngăn ngừa sự bất hòa giữa 2 hạm đội này.
Washington và Moscow đã mở rộng quy mô hệ thống đường dây nóng năm 1988 khi 2 chính phủ thành lập trung tâm giảm nguy cơ hạt nhân ở thủ đô mỗi nước. Vào những năm 1980, đường dây nóng Washington - Moscow được tờ The New York Times miêu tả là một trong những thành tựu to lớn của thời đại nguyên tử, cho phép các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô tháo ngòi nổ căng thẳng.
Theo ông Michael Bohn, cựu quản lý phòng hội nghị trong Nhà Trắng, bắt đầu từ thời Tổng thống Mỹ George H. W. Bush vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, các cuộc điện đàm giữa Mỹ và Nga (thành lập sau khi Liên Xô chính thức tan rã vào ngày 26-12-1991) đã thay thế cho những bức thông điệp bằng chữ viết và là cách liên lạc được ưa chuộng hơn giữa Washington và Moscow. Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Tổng thống Putin đã liên lạc với Tổng thống George Bush ngày 11-9-2001 qua đường dây nóng. Theo hãng tin AP, hồi tháng 3-2013, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Putin hoan nghênh sự hợp tác của Nga về các nỗ lực quốc tế đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran.
Ngoài ra, đường dây nóng Washington - Moscow cũng đã được sử dụng năm 1973 trong cuộc chiến tranh Yom Kippur (cuộc chiến Ả Rập - Israel) khi Mỹ cảnh báo nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân; năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Cyprus; năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan; một số lần dưới thời Tổng thống Ronald Reagan hồi thập niên 1980; năm 1991, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh và năm 2003, trong cuộc chiến tranh Iraq...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-12
Mối nguy sau hơn 50 năm tồn tại
Dường như đường dây nóng Washington - Moscow ngày nay không còn cần thiết nữa hoặc không hiệu quả trong việc hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Nga liên quan đến các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria. Đối thoại giữa 2 tổng thống Obama và Putin đã trở nên không thường xuyên và diễn ra quá ngắn gọn.
Do mối quan hệ giữa Washington và Moscow trong tương lai có nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa, nhiều khả năng một bên sẽ đề nghị ngắt đường dây nóng vốn đã tồn tại hơn 50 năm. Điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa đơn phương bắt đầu xuất hiện.
Bình luận (0)