Khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trực tiếp nói chuyện điện thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh ngày 2-12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối và giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sửng sốt.
Điện đàm lịch sử
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái cho thấy ông Trump đã phá vỡ giao thức tồn tại suốt 37 năm qua trong chính sách của Mỹ sau khi mối quan hệ Mỹ - Đài Loan bị cắt đứt vào năm 1979.
Theo đài BBC, trong quãng thời gian dài này, các nhà lãnh đạo Mỹ đã tôn trọng “ranh giới đỏ” của Bắc Kinh về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận chỉ có “một Trung Quốc”. Do đó, thật không quá đáng khi nhận định cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái mang tính chất lịch sử.
Nhưng có lẽ cuộc điện thoại mang tính lịch sử nhất thuộc về Tổng thống Barack Obama, vị tiền nhiệm sắp rời Nhà Trắng của ông Trump, diễn ra ngày 27-9-2013 với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran. Cuộc đối thoại đã kết thúc bằng lời chúc “một ngày tốt lành” của ông Rouhani, còn ông Obama nói câu từ biệt bằng tiếng Farsi “Khodahafez”.
Về thời gian điện đàm, một nguồn tin tiết lộ Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thực sự là đã từng đối thoại rất lâu. Họ nói chuyện điện thoại nhiều giờ, bao gồm ít nhất 15-16 cuộc chung quanh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START năm 2010.
Một buổi chiều tháng 3-2014, ông Obama đã lập kỷ lục khi thực hiện cuộc gọi kéo dài nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm đầy căng thẳng và trong suốt 90 phút, hai nhà lãnh đạo không thể đảo ngược được sự kiện Nga sáp nhập bán đảo chiến lược Crimea.
Trong cuộc điện đàm này, ông Obama đưa ra một “lối thoát ngoại giao” bằng cách đề nghị điều các viên chức trong chính quyền Obama giải quyết khủng hoảng nhưng không thành công. Còn ông Putin cũng dành nhiều thời gian để khẳng định rằng người sắc tộc Nga ở Crimea đang chịu đựng những điều kinh khủng dưới tay chính phủ Ukraine thân phương Tây.
Nhà Trắng tiết lộ cuộc điện đàm căng thẳng đó xảy ra trong bối cảnh “trận bão” điện thoại giữa tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới khi ông Obama tìm cách xuống thang cuộc khủng hoảng trên. Cuộc điện đàm Obama - Putin đã không đem lại bước đột phá nào về vấn đề Ukraine. Thế nhưng, rất có thể nó sẽ đi vào lịch sử các cuộc điện thoại của các đời tổng thống Mỹ.
Phải bắt chuyện “ngoại giao” trước
Các tổng thống Mỹ cũng nối dây với các nguyên thủ khác trên thế giới để tìm kiếm phương thức giải quyết chung cho các vấn đề chính sách. Như ông Bush đã yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel mở rộng tầm ảnh hưởng của Đức trong việc huấn luyện các lực lượng an ninh của Afghanistan.
Các cuộc gọi mất nhiều thời gian nhất của ông Bush thường là với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Một nguồn tin cho biết hầu như tất cả cuộc điện đàm này đều kéo dài hơn 1 giờ. Theo Yahoo News, các cuộc gọi có thể diễn ra nhân một sự kiện, chẳng hạn như ngày lễ của một quốc gia hoặc liên quan đến một thảm họa thiên nhiên hay một sự kiện đau buồn khác. Ngày 5-12-2013, ông Obama đã gọi cho Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma để chia buồn về sự ra đi của “người tù vĩ đại” Nelson Mandela.
Chuyện điện đàm của tổng thống Mỹ với các nguyên thủ quốc gia khác không phải luôn được kết nối suôn sẻ. Trong một lần Tổng thống George W. Bush gọi cho Thủ tướng Úc John Howard, trợ lý cấp cao của ông nhấc ống nghe và nghe thấy giọng nói của ai đó. “Ông không được nói chuyện ở đường dây này. Ai thế?” - trợ lý gằn giọng. “Xin lỗi. John đây” - giọng đầu dây bên kia lịch sự. “John nào?”. “John Howard”...
Các cuộc gọi này không được ghi âm. Thế nhưng, Nhà Trắng có lưu giữ bản ghi tốc ký lưu hành nội bộ không chính thức. “Có đến 3 nhân viên an ninh quốc gia ở căn phòng bên cạnh phòng hội nghị nghe cuộc trò chuyện và đánh máy nhanh đến mức tối đa” - một trợ lý thời Tổng thống Bush kể. Tùy vào tính nhạy cảm của thông tin, tài liệu đó có thể được chia sẻ giữa các trợ lý hàng đầu hoặc trong một nhóm lớn hơn hoặc không gì cả.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Thông thường, trong các cuộc điện đàm của nguyên thủ quốc gia, các nhân viên phải lo chuẩn bị các yếu tố nền tảng trước khi hai nhà lãnh đạo chào hỏi nhau. “Khi hai nước có quan hệ khăng khít, phòng hội nghị bên này chỉ cần gọi bên kia và nói lãnh đạo chúng tôi muốn gặp” - ông Stephen Yates, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, cho biết.
Khi hai nước ít liên lạc với nhau, vị đại sứ có thể chính thức đề nghị. Các nguyên thủ quốc gia thường được báo cáo rõ trước khi nói chuyện với nhau. Các lãnh đạo thế giới thường có trợ lý và người phiên dịch ngồi cạnh. Ngay trong trường hợp biết tiếng nước ngoài, họ cũng chỉ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. “Đôi khi là do tự hào dân tộc nhưng cũng để tránh hiểu lầm” - ông Kevin Hendzel, từng là chuyên gia ngôn ngữ cho Nhà Trắng, giải thích.
Ở Mỹ, trước khi tổng thống gọi điện cho một nhà lãnh đạo khác, một viên trợ lý sẽ trình tổng thống bộ hồ sơ đã được Hội đồng An ninh quốc gia (NCS) chuẩn bị một cách đặc biệt. Trong đó bao gồm bức ảnh tình báo Mỹ chụp nhân vật ông sẽ gọi điện, thông tin chi tiết về cá nhân người đó, sức khỏe cũng như những người thân của họ. Bộ hồ sơ còn bao gồm các thông tin: Họ có phải là người đầu lạnh? Hay ngược lại? Họ có thích nói đùa không?...
Kỳ tới: Sự khác biệt của Donald Trump
Bình luận (0)