Kế hoạch ngân sách vừa được thông qua ở quốc hội Mỹ không phải là một chương trình toàn diện nhằm đảo ngược sự tăng trưởng của món nợ này. Thay vào đó, nó là kế hoạch cắt giảm thuế với hy vọng kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, từ đó bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn thu bị tổn thất từ kế hoạch này. Vấn đề là những nghiên cứu về các biện pháp cắt giảm thuế trước đó cho thấy sự bù đắp là không đáng kể.
Ngay cả khi hy vọng trên thành hiện thực, ngân sách liên bang vẫn đang trên đường đến khoản nợ "khủng" trong lúc không có nhiều cơ hội quay lại và điều chỉnh chính sách thuế để giúp ngăn khủng hoảng nổ ra. Nếu canh bạc cắt giảm thuế thất bại, Mỹ sẽ trượt nhanh hơn trên con đường đến khủng hoảng nợ. Washington từng thử hướng đi này vào năm 1981, thời điểm nợ công tương đương 25% GDP. 20 năm sau đó, người ta có thể nói đến quan hệ nhân quả khi tỉ lệ này tăng lên 50% GDP.
Biểu tình phản đối cắt giảm thuế cho người giàu tại TP New York - Mỹ hôm 27-11 Ảnh: REUTERS
Đến năm 2001, thông qua những nỗ lực lập pháp can đảm về chính trị, nợ công giảm xuống còn tương đương 33% GDP và ngân sách trở nên thặng dư. Thế rồi, nước Mỹ lại thử nghiệm cắt giảm thuế với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Kết quả là thâm hụt ngân sách quay trở lại. Giờ đây, Washington lại có ý định thử nghiệm lần thứ ba, vào thời điểm nợ công tương đương 75% GDP. Bất kỳ chuyên gia nào cũng sẽ thừa nhận gánh nặng nợ nần càng cao thì rủi ro của cuộc thử nghiệm càng lớn.
Đã đến lúc các nhà làm luật cần cải tổ cấu trúc thuế để nó thân thiện hơn với tăng trưởng. Họ cũng cần giảm thuế doanh nghiệp xuống mức có thể cạnh tranh được trong môi trường quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề và soạn thảo một kế hoạch toàn diện để giải quyết. Những biện pháp cải cách thuế thật sự nên là một phần của kế hoạch này.
Bình luận (0)