Ông Erdogan, 61 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2002, đúng 1 năm sau khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền thành lập. Ông trải qua 11 năm làm thủ tướng trước khi trở thành tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 8-2014. Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh nhà lãnh đạo gặp nhiều thăng trầm về chính trị này.
Thách thức quân đội
Vài thập kỷ trước khi AKP trỗi dậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào chính trị 4 lần để kiềm chế ảnh hưởng của Hồi giáo. Tuy nhiên, tình hình đã khác trong thời gian ông Erdogan nắm quyền.
Năm 2013, ông Erdogan thắng thế quân đội sau khi 17 người âm mưu lật đổ AKP bị kết án chung thân bao gồm các sĩ quan quân sự cao cấp.
Hàng trăm người khác cũng bị đem ra xét xử cùng với các nhà báo và chính trị gia trong một chiến dịch gọi là “Sledgehammer”. Đến khi có tới hơn 200 sĩ quan bị bắt giữ trong cuộc điều tra Sledgehammer, các tư lệnh lục quân, hải quân, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt từ chức để phản đối.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Erdogan lợi dụng hệ thống tư pháp để bịt miệng và vu khống đối thủ chính trị. Tuy nhiên, những người ủng hộ hoan nghênh ông dám động đến một thế lực chưa từng bị “sờ gáy” trước đây.
Các cuộc biểu tình ở công viên Gezi
Tháng 6-2013, ông Erdogan một lần nữa cho thấy sức mạnh của nhà nước khi trấn áp các cuộc biểu tình ở công viên Gezi, TP Istanbul. Nơi này là địa điểm cho một dự án xây dựng khổng lồ.
Các cuộc biểu tình lan rộng tới các thành phố khác, được đẩy lên cao trào bởi những người Thổ Nhĩ Kỳ thế tục nghi ngờ về khuynh hướng Hồi giáo của AKP.
Tháng 12 cùng năm, chính phủ của ông Erdogan bị công kích mạnh mẽ bởi một vụ bê bối tham nhũng lớn, liên quan đến nhiều vụ bắt giữ, trong đó có con trai của 3 bộ trưởng nội các. Bê bối làm ông Erdogan nổi giận, đổ lỗi cho những kẻ phá rối bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những người ủng hộ học giả Hồi giáo Fethullah Gulen hiện sống lưu vong bên Mỹ.
Ông cũng đả kích các phương tiện truyền thông xã hội và thề “quét sạch” mạng xã hội Twitter. Không thể phủ nhận sức hút của nhà lãnh đạo này nhưng danh tiếng của ông Erdogan bị ảnh hưởng vào tháng 5-2014. Lúc đó, ông phản ứng hờ hững trước vụ nổ mỏ than ở huyện Soma, làm chết 301 người.
Hồi sinh Hồi giáo
Ông Erdogan phủ nhận việc áp đặt các giá trị Hồi giáo lên đất nước, đồng thời cam kết vẫn tuân theo chủ nghĩa thế tục. Nhưng ông ủng hộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ “thể hiện niềm tin tôn giáo của họ một cách cởi mở hơn”.
Tháng 10-2013, Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ quy định cấm phụ nữ đeo khăn trùm đầu tại hầu hết công sở, ngoại trừ ngành tư pháp, quân đội và cảnh sát. Nhiều người tin rằng đây là một trong những nỗ lực “Hồi giáo hóa” quốc gia thế tục này của ông Erdogan.
Các nhà phê bình cũng chỉ trích ông Erdogan thất bại trong việc trừng trị những kẻ ngoại tình cũng như về kế hoạch thiết lập “khu vực uống rượu thoải mái”.
Tham vọng không bờ bến
Ông Erdogan từng bị lên án gay gắt sau khi xây cung điện tổng thống xa hoa trên một ngọn đồi ở ngoại ô Ankara. Ak Saray (Cung điện Trắng) bao gồm 1.000 phòng, lớn hơn cả Nhà Trắng của Mỹ hoặc Điện Kremlin của Nga. Chi phí xây cung điện này lên tới 615 triệu USD.
Trong thập kỷ qua, mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ là 4,5%. Ankara cũng phát triển thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu. Chính quyền AKP giữ lạm phát trong tầm kiểm soát – được xem là một kỳ công khi so sánh với mức lạm phát hơn 100% vào thập niên 90.
Tuy nhiên, năm 2014, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu suy giảm với tăng trưởng giảm xuống còn 2,9% và tỉ lệ thất nghiệp tăng trên 10%. Tại vũ đài quốc tế, ông Erdogan lên án Israel - trước đây là đồng minh thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ - về những mâu thuẫn với người Palestine. Chính sách này khiến ông trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng khắp khu vực Trung Đông.
Ông còn ủng hộ phe đối lập Syria trong cuộc chiến chống lại chính phủ Bashar al-Assad tại Damascus nhưng gây căng thẳng với người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ khi từ chối giúp đỡ người Kurd ở Syria chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở bên kia biên giới.
Giáo dục Hồi giáo
Sinh năm 1954, ông Erdogan là con của một cảnh sát biển trên bờ biển Đen. Khi ông 13 tuổi, cha của ông quyết định chuyển đến TP Istanbul, hy vọng sẽ cho 5 người con của mình ăn học đàng hoàng để có một tương lai sáng sủa.
Tuổi thiếu niên, ông Erdogan đi bán nước chanh và bánh mè để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ông học tại một ngôi trường Hồi giáo trước khi lấy bằng quản lý tại Trường ĐH Marmara ở TP Istanbul, sau chuyển qua chơi bóng đá chuyên nghiệp.
Trong khi học đại học, ông gặp Necmettin Erbakan, người trở thành thủ tướng Hồi giáo đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1994, ông Erdogan được cất nhắc chức vụ thị trưởng TP Istanbul. Ngay cả các nhà phê bình cũng phải thừa nhận rằng ông đã làm cho Istanbul trở nên xanh và sạch hơn.
Nhưng vào năm 1999, ông bị bỏ tù 4 tháng về tội kích động tôn giáo. Ông đã công khai đọc một bài thơ có đoạn: “Các nhà thờ Hồi giáo là doanh trại của chúng ta, mái vòm là mũ sắt, tháp là lưỡi lê, tín hữu là binh sĩ”.
Năm 2001, AKP ra đời, tách từ đảng Virtue bị cấm hoạt động. Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2002, ông trở thành thủ tướng.
Bình luận (0)