Kết thúc hội nghị khẩn cấp kéo dài 7 giờ ở Brussels - Bỉ ngày 24-9, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định chi ít nhất 1 tỉ euro cho các cơ quan viện trợ quốc tế để giúp đỡ người tị nạn trong các lều trại gần những khu vực xung đột.
Ngoài ra, EU sẽ tăng cường hỗ trợ Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đương đầu với hàng triệu người chạy khỏi Syria để trốn chiến tranh. Những bước đi này được kỳ vọng giúp ngăn dòng người di cư tìm cách đến châu Âu bất chấp tính mạng.
Sau hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận không đại biểu nào tham dự hội nghị từ chối thi hành quyết định phân bổ trên lãnh thổ EU 120.000 người tị nạn ở Ý và Hy Lạp một ngày trước. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố hội nghị thực sự thành công vì đã quyết định được nhiều điều tốt đẹp hơn so với dự kiến. “Các biện pháp chúng ta nhất trí hôm nay không kết thúc được cuộc khủng hoảng nhưng đó là những bước đi cần thiết và đúng hướng” - ông nhấn mạnh.
Phát biểu trước quốc hội Đức cùng ngày, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng thỏa thuận nêu trên chỉ mới là bước đi đầu tiên. Theo nhà lãnh đạo Đức, EU cần sự giúp đỡ của Mỹ, Nga và các nước Trung Đông để giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.
Trong lúc Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra, theo hãng tin Tanjug, chính phủ Croatia đã không cho phép ô tô mang biển kiểm soát Serbia vào lãnh thổ của mình. Quyết định này là diễn biến mâu thuẫn giữa Croatia và Serbia sau khi 2 bên đã áp dụng một loạt biện pháp hạn chế đi lại giữa 2 nước, xuất phát từ cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Phía Croatia vào tuần rồi đã đóng cửa các trạm kiểm soát trên biên giới với Serbia do không thể kiểm soát dòng người tị nạn. Đáp lại, theo hãng tin RIA Novosti, Serbia cũng cấm cửa tất cả hàng hóa sản xuất ở Croatia dù chúng được chở vào nước này bằng loại phương tiện nào, đồng thời đóng cửa biên giới đối với mọi phương tiện vận tải mang biển số Croatia.
Trong khi đó, cảnh sát Hungary cho biết ít nhất 10.046 người di cư - một con số cao kỷ lục - đã vượt qua biên giới nước này hôm 23-9, một ngày trước khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia. Chứng kiến những gì đang diễn ra, một quan chức cấp cao EU giấu tên cảnh báo cuộc khủng hoảng di dân có nguy cơ tàn phá liên minh này, đồng thời cho rằng chính sách “mở toang cửa” phải chấm dứt.
Trong một động thái cho thấy lời cảnh báo này đang được lắng nghe, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí điều động thêm nhân viên an ninh nhằm siết chặt việc kiểm soát biên giới.
Sứ giả nhỏ mang thông điệp lớn
Bé Sophie Cruz - 5 tuổi, đến từ TP Los Angeles - hôm 23-9 đã vượt qua hàng rào an ninh trong buổi diễu hành của đoàn xe chở Giáo hoàng Francis ở thủ đô Washington - Mỹ để trao cho ông thông điệp về vấn đề nhập cư. Giáo hoàng Francis đã ra hiệu lực lượng an ninh cho phép cô bé tiếp cận chiếc xe chở ông. Sophie Cruz - có cha mẹ đều là người di cư bất hợp pháp - đã trao cho Giáo hoàng chiếc áo thun màu vàng, bức tranh đầy màu sắc và lá thư diễn tả nỗi lo sợ cha mẹ bé sẽ bị trục xuất.
Giáo hoàng Francis đã hôn lên má Sophie và một nhân viên an ninh giúp nhận quà của cô bé. Sophie nói với báo New York Daily News rằng cha mình làm việc rất chăm chỉ tại một nhà máy mạ kim loại, rằng những người nhập cư như gia đình bé đáng được tôn trọng và sống hạnh phúc.
Trong một diễn biến khác, CHDCND Triều Tiên ngày 24-9 cáo buộc Mỹ mới là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng Mỹ đã “vi phạm về nhân quyền” và nên là trung tâm của sự chỉ trích liên quan đến cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. “Khi Mỹ khơi mào chiến tranh tại Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và những khu vực khác trên thế giới, châm ngòi cho các cuộc nội chiến với cái cớ “chống khủng bố” và thiết lập “dân chủ”đã khiến số người tị nạn gia tăng nhanh chóng” - người phát ngôn này nói. Xuân Mai
Bình luận (0)