Ước tính, hơn 6.000 di dân kéo đến Hy Lạp trong ngày 22-9 trong lúc các bộ trưởng nội vụ EU nhóm họp. Một ngày sau đó, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp nhau để thảo luận về các chính sách trung và dài hạn để đối phó cuộc khủng hoảng di cư.
Theo hãng tin AP, không có gì trong chương trình nghị sự của các cuộc họp trên có thể ngay lập tức giúp các nước ở Đông Âu và vùng Balkan quản lý biên giới mình hiệu quả. Dĩ nhiên là sự bế tắc hiện nay càng không giúp ích gì trong việc ngăn dòng người di cư kéo đến châu Âu. Cố vấn nhân đạo Aurelie Ponthieu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận định các cuộc thảo luận của EU vẫn hoàn toàn xa rời tình hình thực tế.
Các nhóm cứu trợ đang khẩn nài EU thiết lập hành lang an toàn cho người di cư, trong khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) muốn các nước EU san sẻ gánh nặng người tị nạn Syria từ các nước Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, điều cần thiết là thiết lập một chính sách di trú đáng tin cậy. “Sự khác biệt về vấn đề di cư không phải là cái cớ để (EU) không phát triển một chiến lược toàn diện hoặc một chính sách mạnh mẽ, hiệu quả, và có trách nhiệm” - ông Tusk kêu gọi.
Thách thức lớn hiện nay là một số nước Trung Âu như Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia... vẫn kịch liệt phản đối việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc. Theo đài BBC, một trong những lý do phản đối chính là nỗi lo làn sóng người di cư sẽ dẫn đến những thay đổi khôn lường về mặt tôn giáo và xã hội. Ngoài ra, lãnh đạo những nước trên cho rằng biện pháp hạn ngạch sẽ tước đi quyền tự chủ của họ trong việc ban hành chính sách tị nạn, đồng thời chỉ khuyến khích thêm người di cư kéo đến châu Âu.
Trong lúc chờ EU có giải pháp hiệu quả, quốc hội Hungary hôm 21-9 đã thông qua luật cho phép chính phủ triển khai quân đội cùng vũ khí phi sát thương để ngăn chặn làn sóng người di cư. Theo đó, quân đội Hungary được phép sử dụng đạn cao su, các thiết bị bắn pháo hoa và lựu đạn hơi cay trong khi làm nhiệm vụ. Hungary cũng đã hoàn thành xây dựng 41 km hàng rào ở khu vực biên giới giáp Croatia để ngăn làn sóng di cư và tị nạn đổ xô sang nước này.
Bình luận (0)