Đáng chú ý nhất là các nhà điều tra đi tìm nguồn lây nhiễm siêu khuẩn EHEC nói họ tin rằng đã tìm thấy điểm khởi phát dịch ở thị trấn Uelzen, bang Hạ Saxony, cách thành phố Hamburg chừng 100 km.
Ông Gert Lindermann, Bộ trưởng Nông nghiệp bang Hạ Saxony, cho biết có nhiều khả năng thủ phạm là giá sống dùng làm rau trộn, cụ thể là giá đậu nành, của một nhà vườn sản xuất rau mầm ở thị trấn Uelzen của bang với các loại đậu nhập từ các nước. Nhà vườn này đã đóng cửa sau khi hai nhân viên bị nhiễm khuẩn EHEC.
Rút kinh nghiệm từ tuyên bố hớ của các quan chức ngành y tế thành phố Hamburg - chưa có kết luận chính thức mà đã vội chỉ đích danh dưa leo nhập khẩu từ Tây Ban Nha - lần này Bộ trưởng Y tế Đức Daniel Bahr dè dặt tuyên bố trên đài truyền hình ARD đêm 5-6: “Chúng tôi đã nắm được những dấu hiệu khá rõ ràng, theo đó, một cơ sở sản xuất rau mầm ở Uelzen là đầu nguồn lây nhiễm dịch EHEC. Tuy vậy, chúng tôi đang chờ kết quả từ phòng thí nghiệm mới đưa ra kết luận cuối cùng”.
Tây Ban Nha - nước sản xuất rau củ quả hàng đầu của châu Âu - bị thiệt hại nặng nhất sau khi có tin đồn dưa leo của nước này nhiễm siêu khuẩn EHEC.
Ngày 26-5, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Louis Zapatero tuyên bố rằng ông “sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại do định kiến”. Ông đặc biệt chỉ trích Ủy ban châu Âu (EC) mới nghe phong thanh tin đồn của Đức đã vội cảnh báo dưa leo Tây Ban Nha nhiễm khuẩn E.coli.
Bà Clara Aguilera, quan chức chính phủ phụ trách vùng nông nghiệp Andalousia, nơi xuất khẩu các lô hàng dưa leo bị nghi ngờ nhiễm khuẫn EHEC, khẳng định: “Chỉ tính riêng trong lĩnh vực dưa leo, kể từ ngày bùng nổ khủng hoảng, chúng tôi thiệt mất 72 triệu euro”.
Không chỉ Tây Ban Nha thọ nạn, ngành nông nghiệp Pháp, Bỉ, Ý Hà Lan cũng bị vạ lây. Chỉ trong vài ngày tại Pháp, giá dưa leo giảm 80% và giá cà chua giảm 20%. Thiệt hại ước tính hơn 7 triệu euro.
Căng thẳng chính trị
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi Nga quyết định cấm nhập khẩu rau củ tươi từ các nước EU. Pháp, Đức và Ba Lan là các nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này vào Nga, do đó bị thiệt hại nặng nhất vì lệnh cấm vận bất ngờ này.
Tại Moscow, ông Guennedi Onitchenko, trưởng cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga, ngày 26-5 tuyên bố: “Kể từ hôm nay, lệnh cấm nhập khẩu và buôn bán rau củ tươi của EU trên lãnh thổ Liên bang Nga có hiệu lực cho đến khi có lệnh mới”. Thậm chí, các lô hàng đã nhập sẽ bị tịch thu.
Dĩ nhiên, EU không khoanh tay ngồi yên. Ủy viên Y tế John Dalli đã gửi công hàm phản đối Nga hành động đơn phương không thích hợp và lưu ý rằng việc Nga cấm vận rau quả EU có thể ảnh hưởng đến đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Nga.
14 giờ hôm nay 7-6 (giờ địa phương), các bộ trưởng y tế và nông nghiệp sẽ họp phiên khẩn cấp về siêu khuẩn EHEC và hậu quả của nó đối với các nhà sản xuất rau quả tại Luxembourg. Cuộc họp này dự kiến họp vào ngày 17-6 nhưng đã tiến hành sớm hơn do tình hình bức bách.
Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu Đức giải thích về việc đổ thừa vô lý dưa leo Tây Ban Nha và đặt vấn đề bồi thường. Nói chung sẽ có những cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên EU vì lòng tin lẫn nhau đã bị lung lay.
Bình luận (0)