Nghi can số 1: Dưa leo, cà chua, rau diếp
Chỉ có một điều chắc chắn là dưa leo gốc Tây Ban Nha đã được minh oan. Trước đó, nó đã bị các thanh tra vệ sinh thực phẩm Đức đưa vào diện nghi phạm sau khi các điều tra viên của Cơ quan Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Đức (RKI) tìm thấy khuẩn E.coli trên ba trái dưa leo nhập từ Tây Ban Nha. Từ sự kiện này, rộ lên tin đồn ăn dưa leo Tây Ban Nha sẽ bị ngộ độc siêu khuẩn EHEC.
Chợ rau củ quả ở Hamburg ế khách. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta phát hiện các khuẩn E.coli tìm thấy trên dưa leo Tây Ban Nha không giống siêu khuẩn EHEC đang hoành hành ở Đức. Bà giám đốc Sở Y tế thành phố Hamburg (Đức) tuyên bố dưa leo Tây Ban Nha có thể “không phải là nguồn lây bệnh”.
Tuy dưa leo Tây Ban Nha được giải oan, dưa leo nói chung cùng với rau diếp và cà chua vẫn bị xem là nghi can số 1. Theo nguồn tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được đài truyền hình Mỹ CBS News dẫn lại, các nhà điều tra Đức đã xác định rằng 95% trong số hơn 1.700 ca nhiễm EHEC ở Đức là do ăn sống ít nhất một trong 3 thứ rau quả vừa kể.
Ba thứ rau quả nói trên đến từ đâu vẫn chưa xác định được. Cũng chưa rõ chúng bị nhiễm khuẩn E.coli ở khâu trồng trọt, khâu vận chuyển hay khâu đóng gói phân phối ở Đức. Ngày 6-6, bộ trưởng y tế các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ họp bàn vấn đề này tại Luxembourg.
Nhà hàng, lễ hội cũng bị nghi ngờ
Thứ bảy vừa qua, báo chí địa phương Đức nêu ra 3 nơi tình nghi là đầu nguồn lây nhiễm nhưng tất cả đều không được cơ quan chức năng RKI xác nhận.
Một nhà vườn Tây Ban Nha đổ bỏ dưa leo vì không bán được. Ảnh: REUTERS
Một nhà hàng khác ở Lubeck, vùng Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức cũng lọt vào tầm ngắm của các nhà điều tra sau khi Lubecker Nachrichten, một tờ báo địa phương, phát hiện 17 thực khách bị ngộ độc thực phẩm tình nghi do nhiễm siêu khuẩn EHEC sau khi ăn uống ở nhà hàng này trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 15-5.
Theo tờ báo nói trên, có hai nhóm thực khách lâm nạn. Nhóm thứ nhất là du khách Đan Mạch. Nhóm thứ hai là thanh tra thuế vụ địa phương đến dự một cuộc họp nghiệp đoàn ngày 13-5. Trong số người bị ngộ độc có một phụ nữ chết vì HUS (hội chứng tán máu, tăng urê máu), một biến chứng nghiêm trọng của siêu khuẩn EHEC làm thận suy và đi tiêu ra máu.
Các thanh tra y tế đã đến nhà hàng truy tìm dấu vết siêu khuẩn EHEC nhưng chẳng tìm thấy gì. Werner Solbach, nhà vi trùng học của bệnh viện Trường Đại học Schleswig-Holstein, tuyên bố: “Nhà hàng vô can trong vụ này. Nguyên nhân có thể nằm ở khâu cung cấp thực phẩm”.
Tuần báo Focus hôm 4-6 cũng nêu khả năng siêu khuẩn EHEC phát tán trong một lễ hội thu hút khoảng 1,5 triệu người diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 vừa qua ở thành phố cảng Hamburg. Ca nhiễm siêu khuẩn EHEC nhập viện đầu tiên được ghi nhận một tuần sau ở thành phố này. Sau đó, Hamburg trở thành ổ dịch EHEC lớn nhất từ trước tới nay.
Tờ Focus khẳng định rằng RKI đang điều tra theo hướng này. Thế nhưng, RKI cũng khẳng định lại rằng “thông tin này không ăn khớp với những thông tin mà chúng tôi thu thập được”.
Trấn an dư luận là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan y tế Đức và WHO. Theo hãng tin Reuters, RKI vẫn tiếp tục khuyến cáo dân chúng không dùng rau củ quả tươi ở miền Bắc nước Đức. Đặc biệt, người dân được khuyến cáo không nên ăn cà chua, dưa leo và rau diếp trong khi chờ đợi kết quả điều tra chính thức của RKI.
Trong khi đó, bộ y tế các nước châu Âu cũng trấn an dư luận rằng sẽ ít nguy hiểm nếu rửa kỹ rau củ quả tươi và rửa tay khi nấu ăn và trước khi ăn để tránh lây nhiễm siêu khuẩn EHEC.
Bình luận (0)