Theo đó, những trung tâm di dân khép kín sẽ được thiết lập tại các quốc gia EU trên cơ sở tự nguyện để xử lý đơn xin tị nạn một cách "nhanh chóng và bảo đảm", cũng như xác định ai là di dân trái phép để trả về nước họ. Việc tái định cư những người tị nạn thật sự cũng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Theo đài BBC, EU vẫn chưa cho biết nước nào sẽ đứng ra lập các trung tâm trên hoặc tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ các trung tâm sẽ đóng tại những nước di dân đến đầu tiên ở EU.
Những người di cư tạm trú tại một trung tâm thể thao ở Barbate, miền Nam Tây Ban Nha hôm 28-6 Ảnh: REUTERS
Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Brussels - Bỉ còn nhấn mạnh việc hạn chế người di cư đi lại giữa các nước EU. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường tài trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi, đồng thời siết chặt kiểm soát đường biên giới ngoại khối. EU còn hỗ trợ thêm cho Ý và các quốc gia Địa Trung Hải khác, trong lúc tăng cường đối phó bọn buôn người. Theo báo The Guardian (Anh), các nhà lãnh đạo cho rằng EU cần giúp đỡ những người di cư được cứu sống trên Địa Trung Hải để giảm bớt gánh nặng đè lên vai Ý và Hy Lạp nhưng chi tiết cụ thể chưa được công bố.
Cuộc khủng hoảng di dân được chú ý trở lại sau khi Ý không cho tàu cứu người di cư cập cảng, khiến một số tàu thuyền lênh đênh trên biển. Sau hội nghị, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte bày tỏ nước ông "giờ đây không còn cô độc nữa". Trước đó, quốc gia này dọa sẽ phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào nếu các nhà lãnh đạo EU không chịu làm nhiều hơn để giúp đỡ dòng người di dân đang lũ lượt kéo đến.
Ủy viên di dân EU Dimitris Avramopoulos gọi thỏa thuận trên là "bước đi tích cực đầu tiên tiến tới sự đoàn kết hơn". Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May khen ngợi thỏa thuận "bảo đảm rằng nhiều người sẽ không thực hiện những chuyến đi nguy hiểm… trong tay bọn buôn người". Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tỏ ra thận trọng khi nhận định EU còn có nhiều việc phải làm để giải quyết những bất đồng về vấn đề di cư.
Bình luận (0)